BÀI GIẢNG NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM 2006
Mục tiêu của người Phật tử là chứng ngộ hay đạt đến Niết Bàn. Niết Bàn là trạng thái hoàn toàn vắng lặng mọi khổ đau. Cuộc sống chúng ta là khổ, sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với điều mình không thích là khổ, xa lìa điều mình thích là khổ, mong điều gì mà không đạt được là khổ, tóm lại chấp thủ thân ngủ uẩn này là khổ.
Cuộc sống chúng ta đầy đau khổ. Để thoát khổ, ta cần phải cố gắng thực hành để đạt đến Niết Bàn. Muốn đạt đến NB, trước hết quý vị nên cố gắng hiểu Bốn Sự Thật Tối Thượng, hay còn gọi là Tứ Diệu Đế. Tại sao? Nếu quý vị muốn đạt đến NB, cần phải tận trừ tất cả các lậu hoặc, bao gồm dính mắc tái sanh nào. Nếu còn dính mắc vào đời sống mới, quý vị không thể thoát khỏi vòng sanh tử. Nếu quý vị muốn thoát khỏi tái sanh, luân hồi, nên nổ lực để tận diệt tất cả mọi phiền não, bao gồm cả việc dính mắc vào đời sống mới. Tất cả những gì quý vị nên tận diệt là những phiền não.
Có bài kinh “ÀSAVAKKHAYA SUTTA”, “Đoạn Trừ Lậu Hoặc”:
Jānatohaṁ, bhikkhave, passato āsavānaṁ khayaṁ vadāmi, no ajānato apassato. Kiñca, bhikkhave, jānato, passato āsavānaṁ khayo hoti? ‘idaṁ dukkhan’ti, bhikkhave, jānato passato āsavānaṁ khayo hoti, ‘ayaṁ dukkhasamudayo’ti jānato passato āsavānaṁ khayo hoti, ‘ayaṁ dukkhanirodho’ti jānato passato āsavānaṁ khayo hoti. ‘ayaṁ dukkhanirodhagāminī paṭipadā’ti jānato passato āsavānaṁ khayo hoti. Evaṁ kho, bhikkhave, jānato evaṁ passato āsavanaṁ khayo hoti
“Tasmātiha, bhikkhave, ‘idaṁ dukkhan’ti yogo karaṇīyo ...pe... ‘ayaṁ dukkhanirodhagāminī paṭipadā’ti yogo karaṇīyo.”
Đây là Bài kinh “Đoạn Trừ Lậu Hoặc” trong Tương Ưng Sự Thật, Saccasamyutta. Nghĩa là gì ?
“ Này chư Tỳ-khưu, Ta nói rằng sự đoạn trừ các lậu hoặc là cho người biết và thấy, không phải cho người không biết và không thấy. Cho người biết GÌ và thấy GÌ khiến các lậu hoặc được đoạn trừ?
Cho những ai biết và thấy đây là sự thật tối thượng về Khổ (Dukkhasacca); Những ai biết và thấy đây là sự thật về nguyên nhân của khổ (Samudayasacca); những ai biết và thấy đây là sự thật tối thượng về sự chấm dứt khổ (Nirodhasacca); Những ai biết và thấy đây là sự thật tối thượng về con đường đưa đến diệt khổ (Maggasacca). Chỉ những ai như thị biết vậy và thấy vậy, các lậu hoặc mới được đoạn trừ.
Vì vậy, cần phải nổ lực để biết rõ, thấy rõ đây là Sự thật tối thượng về Khổ; cần phải nổ lực để biết rõ, thấy rõ đây là Sự thật tối thượng về nguồn gốc của Khổ (Khổ tập); cần phải nổ lực để thấy rõ, biết rõ đây là Sự thật tối thượng về Khổ diệt; cần phải nổ lực để biết rõ, thấy rõ đây là Sư thật tối thượng về Con đường đưa đến Khổ Diệt.”
Kinh Đoạn Trừ Các Lậu Hoặc – Tương Ưng Sự Thật.
Theo Bài kinh này, nếu quý vị muốn đoạn trừ các lậu hoặc, bao gồm sự dính mắc tái sinh ở bất kỳ cảnh giới nào, đời sống mới nào, quý vị cần cố gắng giác tri Tứ Diệu Đế, tức Bốn Sự thật tối thượng.
Nếu quý vị muốn giác tri Tứ Diệu Đế, Bốn Sự thật tối thượng, quý vị nên cố gắng hành như thế nào?
Có một Bài kinh khác tên là “Samàdhi Sutta”-“Chánh Định” trong Tương Ưng Bộ Kinh.
“Samādhiṁ Bhikkhave bhāvetha. Samāhito bhikkhave, bhikkhu yathābhūtaṁ pajānāti. Kiñca yathābhūtaṁ pajānāti? ‘idaṁ dukkhanti yathābhūtaṁ pajānāti, ‘ayaṁ dhukkhasamudayo’ti yathābhūtaṁ pajānāti, ‘ayaṁ dukkhanirodho’ti yathābhūtaṁ pajānāti, ‘ayaṁ dhukkhanirodhagāminì paṭipadā’ti yathābhūtaṁ pajānāti. Samādhiṁ bhikkhave, bhāvetha. Samāhiti bhikkhave, bhikkhu yathābhūtaṁ pajānāti”.
Nghĩa là gì?
“Này chư Tỳ-khưu, hãy phát triển định. Một vị Tỳ-kheo có định, như thị giác tri các Pháp. Gì là Pháp vị ấy như thị giác tri?
Vị ấy như thị giác tri đây là Khổ đế (sự thật tối thượng về Khổ)- Dukkha Sacca. Như thị giác tri đây là Khổ Tập (sự thật tối thượng về nguồn gốc của Khổ)- Samudaya Sacca. Như thị giác tri đây là Khổ diệt (sự thật tối thượng về sự chấm dứt Khổ)- Nirodha Sacca. Như thị giác tri đây là Đạo đế (sự thật tối thượng về Con đường đưa đến chấm dứt Khổ)- Magga Sacca.
Vì vậy, này chư Tỳ-kheo, hãy phát triển định. Một vị tỳ-kheo có định, sẽ như thị giác tri các Pháp.”
Bởi chính nguyên nhân này, nếu muốn giác tri Tứ Diệu Đế, quý vị cần nỗ lực thực hành để phát triển định. Đây là con đường Thiền Định Samatha. Khi tiến hành thiền định, thực hành giữ giới trong sạch là điều cần thiết. Với giới trong sạch làm nền tảng, quý vị nên phát triển thiền định. Để phát triển định tâm, có đến 40 đề mục, quý vị có thể chọn bất kỳ đề mục nào mình muốn. Đầu tiên, chúng tôi thực sự hướng dẫn các thiền sinh thực hành niệm đề mục hơi thở hoặc tứ đại. Quý vị nên chọn đề mục như ý quý vị muốn Nếu thành công với niềm hơi thở hoặc tứ đại rồi, nếu muốn hành các đề mục thiền định khác như 10 Biến xứ, Biến xứ Đất, v.v.. quý vị có thể hành rất dễ dàng. Vậy trước tiên, quý vị nên nổ lực phát triển định theo phương pháp Niệm hơi thở Ānāpānasati (chỉnh Pali), hoặc hành đề mục Tứ Đại.
Tối nay tôi muốn giới thiệu vắn tắt về Ānāpānasati, Niệm hơi thở.
Nếu quý vị muốn thực hành Ānāpāna, niệm hơi thở, quý vị nên tập trung vào đối tượng hơi thở của quý vị, nó có thể xúc chạm quanh lỗ mũi hoặc đỉnh môi trên.
Tại đây, quý vị chỉ việc chờ và thấy một mình hơi thở mà thôi. Nếu quý vị có thể tập trung vào hơi thở, thì dễ rồi, không cần phải đếm hơi thở. Còn nếu quý vị không thể tập trung tốt vào hơi thở, Chú giải khuyên ta nên thử đếm hơi thở. Vậy xin hãy cố gắng tập trung trên đối tượng hơi thở của quý vị. Khi quý vị tập trung vào đối tượng hơi thở, nếu quý vị thấy mình không tập trung được tốt, theo đề nghị của Chú giải, quý vị hãy thử đếm hơi thở.
Khi hít vào, quý vị nên ghi nhận trong tâm “hít vào”, khi thở ra, quý vị nên cố gắng ghi nhận trong tâm “thở ra”, hít vào-thở ra, đếm 1; hít vào-thở ra, đếm 2; hít vào-thở ra, đếm 3, … cho đến 8. Rồi quay về đếm lại từ 1,… cho đến 8. Rồi tiếp tục đếm lại từ 1,…. cho đến 8…Giữa 5 và 10, quý vị có thể dừng ở bất kỳ số nào, nên giữ cố định 1 số. Từ 1 đến 8, quý vị nên quyết định giữ cho tâm không để phóng đi chỗ khác, nên cố gắng tập trung chỉ trên đối tượng hơi thở mà thôi. Rồi từ từ tâm sẽ bắt đầu tập trung được trong vài giây hoặc trong vài phút. Quý vị phải cố gắng, lặp đi lặp lại như vậy.
Khi đếm hơi thở, quý vị nên chú tâm vào hơi thở, chứ không phải con số. Hãy cố gắng tập trung vào đối tượng hơi thở đang xúc chạm quanh lỗ mũi hay trên đỉnh môi trên. Ngoài chỗ này ra, quý vị không nên theo hơi thở đi vào bên trong lỗ mũi hay đi ra ngoài đỉnh môi. Quý vị chỉ nên tập trung vào hơi thở đang chạm tại vị trí xúc chạm, hoặc đỉnh môi trên hay quanh lỗ mũi. Nếu hơi thở là rõ chỉ 1 bên lỗ mũi, thì chú ý hơi thở ở lỗ mũi bên đó, nhưng nó có thể thay đổi vào mỗi thời ngồi. Nếu hơi thở rõ đều ở hai lỗ, tốt hơn nên chú ý hơi thở tại đỉnh giữa môi trên. Nếu quý vị có thể chú tâm trên hơi thở được vài giây hay vài phút, cứ tiếp tục trụ tâm trên hơi thở theo cách ấy. Nếu chú tâm được khoảng gần 1 giờ hoặc 2 giờ, lúc ấy, quý vị có thể ngừng đếm hơi thở.
Nhưng khi đếm hơi thở, quý vị nên cố gắng biết rõ hơi thở. Nếu hơi thở là dài, quý vị nên cố gắng biết rõ nó là hơi thở dài, nếu hơi thở ngắn, quý vị nên cố gắng biết rõ nó là hơi thở ngắn. Không nên cố gắng niệm “dài, ngắn” có chủ ý, không cần phải niệm: đây là hơi thở dài, đây là hơi thở ngắn, chỉ nên ghi nhận hơi thở dù nó là dài hay là ngắn, chỉ nên đếm hơi thở : hít vào-thở ra đếm 1, v.v.. Theo cách này, hãy cố gắng, từ từ quý vị sẽ có thể duy trì định tâm đối tượng hơi thở được vài phút hoặc nữa tiếng, v.v.. Lúc đó nếu mỗi thời ngồi đều trụ tâm trên hơi thở được khoảng hơn nữa giờ hay 1 giờ như thế trong 2 hay 3 ngày, quý vị có thể ngừng đếm hơi thở. Khi đang đi cũng vậy, cố gắng chú tâm trên đối tượng hơi thở cùng cách ấy, không nên để ý các bước đi v.v.. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, trong mọi oai nghi, đều phải chú tâm đến hơi thở.
Hôm nay tôi muốn giới thiệu đến đây. Nếu quý vị muốn thực hành thiền Tứ đại, giờ trình pháp ngày mai, xin hãy thảo luận với tôi.
Có lẽ mọi người muốn đặt câu hỏi, bất cứ điều gì, quý vị có thể hỏi.
Giọng nam : Thưa quý vị, nếu có câu hỏi gì, đây là cơ hội tốt để hỏi
Giọng nam : Bạch Ngài, sau khi ngồi một chút, nếu thấy tê chân, được chăng nếu con đổi tư thế để khỏi phải chống cự khó khăn với cơn đau?
Sayadaw : Được, nếu nó gây trở ngại cho việc định tâm của bạn, bạn có thể đổi tư thế. Nếu nó không trở ngại đến sự chú tâm, hãy tiếp tục chú tâm đến hơi thở thôi, đừng quan tâm đến cơn đau. Có khi không dễ, nó có thể trở ngại cho việc chú tâm. Nếu cảm thọ đau quá rõ, có thể khiến cho bạn khó tập trung, lúc đó hãy đổi tư thế.
Giọng nữ : Nếu khi tâm phân tán, rời khỏi hơi thở vô và hơi thở ra, suy nghĩ xuất hiện quá nhiều, con nên làm sao?
Sayadaw: Để tránh phóng tâm, Chú giải khuyến khích đếm hơi thở. Quý vị nên đếm để ghi nhận hơi thở, khi hít vào nên ghi nhận “hít vào”, khi thở ra nên ghi nhận “thở ra”; “hít vào-thở ra”, cuối hơi thở ra đếm 1, “hít vào-thở ra” đếm 2, “hít vào-thở ra” đếm 3… cho đến 8. Theo cách như vậy mà đếm, dần dần tâm sẽ bớt phóng đi khỏi hơi thở.
Giọng nam: Thưa Sayadaw, con biết thiền tọa rất quan trọng. Nhưng trong việc thực hành hằng ngày như khi con đi, con ăn, cũng quan trọng nên xin Sayadaw giải thích giúp cho cách có thể tập trung tâm?
Sayadaw: Có 4 loại sampajañña, Sampajañña họ dịch là “ hiểu biết rõ rāng”
Hiểu biết rõ ràng về lợi ích,
Hiểu biết rõ ràng về tính thích hợp (ngoài phạm vi hành thiền),
Tuệ quán thấu suốt hay hiểu biết rõ rāng về niệm xứ (Gocāra Sampajañña) (Đoạn 03:07 của file 4-Hỏi đáp)
Tuệ quán thấu suốt hay Hiểu biết rõ ràng về danh-sắc.
Vậy có 4 loại Hiểu biết rõ rāng. Giờ đây quý vị chỉ đang hành Tuệ quán sát thấu suốt hay Sự hiểu biết rõ rāng về niệm xứ, được gọi “Gocāra Sampajañña”, đặc biệt được chú trọng trong thiền định. Khi quý vị hành thiền định, quý vị nên chú trọng vào chỉ một đề mục thiền định của mình trong bất kỳ tư thế nào của cơ thể. Hiện tại quý vị đang hành Ānāpānasati, niệm hơi thở, quý vị phải tập trung chỉ vào mỗi đối tượng hơi thở thôi. Khi ăn, cũng phải tập trung trên đối tương hơi thở, càng nhiều càng tốt. Nhưng không dễ để chú tâm trên đối tượng hơi thở khi đang ăn, tuy nhiên hãy cố gắng, được chừng nào hay chừng đó. Nhưng nếu đang hành thiền Tuệ, khi ngồi thiền quý vị có thể quán sát danh và sắc là vô thường, khổ, vô ngã. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, .. mọi tư thế quý vị đều có thể quán sát danh-sắc và các nhân của chúng là vô thường-khổ-và vô ngã, cũng vậy khi ăn quý vị cũng phải quán sát danh-sắc là vô thường, khổ hay vô ngã. Hiện tại quý vị đang hành Ānāpānasati, ở mọi oai nghi, mọi nơi mọi lúc, quý vị chỉ nên chú tâm vào đối tượng hơi thở mà thôi, cả khi ăn cũng vậy, ghi nhận đối tượng hơi thở được càng nhiều càng tốt.
Giọng nữ : Vậy thưa Sayadaw, có phải là ý Ngài vừa nói, hiện tại người đang hành Niệm hơi thở, khi ăn cũng phải lấy hơi thở làm đối tượng thiền, chứ không phải vào việc ăn và chỉ tập trung vào hơi thở mà thôi, phải không ạ ?
Sayadaw : Đúng vậy. Không dễ nhưng hãy cố gắng tập trung được nhiều chừng nào, tốt chừng ấy. Nên cố gắng!
Giọng nam: Con xin có câu hỏi. Con không biết liệu con có hiểu sai về câu trả lời của Ngài không. Ngài nói vầy: Khi hành thiền niệm hơi thở vô và niệm hơi thở ra, dù trong thời gian ăn cơm, Ngài đề nghị chúng con hành niệm hơi thở vô và niệm hơi thở ra. Con có câu hỏi này: trong Bài kinh “Meghiya Sutta” Trưởng lão Sariputta đề nghị Đại Đức Rahula hành đề mục niệm hơi thở, sau đó Đại Đức Rahula khi gặp lại Trưởng lão Sariputtta, Ngài dạy Đại Đức 7 đề tài trong khi niệm hơi thở, mà đối với Đại Đức Meghiya, Ngài Sariputta chỉ dạy 5 đề tài. Vậy làm cách nào chúng con biết được việc thực hành của mình là như thế nào?
Sayadaw: Có lẽ họ là những chuyên gia rồi. Lúc bấy giờ Đại Đức Rahula đã có thể phân biệt danh-sắc và các nhân của chúng là vô thường-khổ-vô ngã, Đại đức đã giác tri rõ. Dầu ĐĐ đã giác tri, nhưng đây lại là một cách khác nữa, vì ĐĐ có thể hành cả thiền Định lẫn thiền Tuệ. Nhưng trong Bài kinh “Mahārāhulovàda sutta” Trưởng lão Sariputta khuyến khích ĐĐ Rahula nên hành Ānāpāna, tức niệm hơi thở vì các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi của ĐĐ lúc ấy rất tốt. Các oai nghi như thế rất thích hợp cho việc hành Ānāpāna.
Nếu quý vị hành niệm đề mục hơi thở Ānāpānasati, có 4 giai đoạn 4 ( catukka), mỗi giai đoạn gồm 4 bước. Giai đoạn đầu tiên là thiền định Samatha, giai đoạn thứ 2, thứ 3, thứ 4 là thiền tuệ Vipassanā. Vậy có cả thẩy 16 bước khi hành niệm hơi thở, Ānāpānasati.
Lúc ấy ĐĐ Rahula có thể hành cả thiền Định (Samatha) lẫn thiền Tuệ (Vipassanā)
Giọng nam : Cùng lúc ạ ?
Sayadaw : Không, trong cùng một thời ngồi. Trong cùng 1 thời ngồi thì ĐĐ có thể, nhưng đồng thời thì không dễ, vì trong một sát na tâm, có lẽ không thể liễu tri được tất cả các hành cùng lúc. Các Ngài phải hành riêng biệt. Trong một thời ngồi, các Ngài có thể, chẳng hạn như, trước tiên khi hành Ānāpāna, ngay khi các Ngài tọa thiền, các Ngài có thể hành Ānāpāna, niệm hơi thở để đạt đến Tứ thiền. Đây là lúc thiền Định. Xả Tứ thiền, các Ngài có thể phân biệt danh-sắc và các nhân của chúng là vô thường-khổ-vô ngã. Đây là lúc thiền Tuệ. Vậy trong cùng một thời ngồi, các Ngài có thể hành cả thiền Định (Sāmatha), và thiền Tuệ (Vipassanā). Nhưng khi Đức Phật thuyết Bài kinh “Mahārāhulovāda sutta” lúc ấy ĐĐ Rahula đã 18 tuổi. ĐĐ nhập chúng làm sadi lúc 7 tuổi, từ lúc 7 tuổi đến năm 18 tuổi, suốt 11 năm ĐĐ đã hành thiền.
Giọng nam: Thưa Sayadaw, con nghe có người nói kinh hành cũng quan trọng như thiền tọa vậy. Con biết có vài thiền sinh họ chỉ ngồi thiền mà không có thời kinh hành. Vậy có tỉ lệ nào giữa thời thiền tọa và thời kinh hành hay không, ví dụ như khi tọa thiền là 20 phút thì phải kinh hành 10 hay 20 phút? Liệu có tỉ lệ giữa hai thời này không ?
Sayadaw: Cả hai đều quan trọng, tuy nhiên thiền tọa quan trọng hơn. Đối với người mới bắt đầu, tọa thiền giúp cho việc định tâm trở nên sâu hơn, còn khi kinh hành họ khó mà giữ được sự tập trung cho tốt. Tuy nhiên đối với các vị đã chuyên nghiệp thì chẳng là vấn đề, bất kỳ oai nghi nào đều có thể định được, bởi các Ngài đã chuyên nghiệp.
Vì vậy, khi hành thiền định, nếu quý vị có thể chú tâm trên đề mục thiền định của mình được hơn 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ đồng hồ mỗi thời ngồi, thì tốt hơn. Và nếu quý vị có thể duy trì định tâm được 3 giờ mỗi thời ngồi, định của quý vị sẽ trở nên dần dần sâu hơn. Sự định tâm như vậy sẽ là nhân hổ trợ cho tuệ căn cao hơn. Khi quý vị đạt đến định, quý vị có thể dễ dàng thẩm sát được danh-sắc và bản chất vô thường-khổ-vô ngã của chúng. Bởi một tâm định sâu sắc có thể tạo ra một loại ánh sáng thật sáng và vô cùng mạnh. Khi ánh sáng này thật sáng và thật sung mãn, quý vị có thể thấy mọi Pháp. Nhưng nếu ánh sáng này yếu đi, quý vị không thể thấy rõ. Cũng vậy, khi tâm định sâu sắc, sẽ sinh ra loại ánh sánh thật sáng và mạnh. Ánh sáng này được gọi là Ánh Sáng Trí Tuệ. Khi Ánh Sáng Trí Tuệ này hiện hữu, nếu quý vị hành thiền Minh sát (thiền Tuệ), Minh sát Tuệ của quý vị sẽ trở nên bén hơn và sâu sắc hơn. Minh sát tuệ này có thể làm nhân hổ trợ cho Đạo quả Tuệ cao hơn và nhanh chóng chứng ngộ Niết Bàn.
Giọng nam: Vậy là không cần thiết, chẳng hạn như kinh hành 30 phút sau khi ngồi thiền được 1 tiếng, thưa Ngài?
Sayadaw: Không cố định như vậy, còn tùy vào tình huống và ý muốn của vị đó. Nhưng đối với người mới bắt đầu, định chỉ dần trở nên sâu hơn khi ngồi, còn khi đi kinh hành, định chưa thể sâu được.
Giọng nam: Thưa Ngài, thỉnh thoảng khi chú tâm trên hơi thở, đối tượng điểm chạm có vẻ như ở hơi xa, và có khi nó có vẻ rõ hơn và gần hơn. Có phải là khi mình thấy rõ và gần thì mình mới có sự hiểu biết thấu suốt, còn khi thấy nó ở xa thì mình thiếu sự hiểu biết rõ rāng?
Sayadaw: Lúc đó bạn không nên thẩm sát quá nhiều, nếu thẩm sát quá nhiều, định sẽ giảm đi. Tại sao? Khi Trạch pháp giác chi trở nên quá trội, nhóm Định giác chi sẽ bị giảm đi. Điều này là tự nhiên. Vì vậy, sau khi ngồi xuống, nên để ý đến đối tượng hơi thở mà thôi. Bạn nên chọn cố định một điểm, có thể ở đỉnh môi trên hay quanh lỗ mũi, sau khi cố định một chỗ, bạn nên đặt trọng tâm trên đối tượng hơi thở. Khi có thể định tâm trên hơi thở, bạn không cần thẩm sát liệu hơi thở có đang ở trên điểm chạm hay đang ở xa điểm chạm. Vì với hầu hết những người mới hành thiền, khi định của họ trở nên sâu hơn, họ không còn thấy điểm xúc chạm hay cảm giác xúc chạm, đặc biệt họ cũng không còn cảm nhận lỗ mũi, mặt, đầu, thân hình, chỉ có hơi thở và tâm. Lúc ấy, không nên thẩm sát quá nhiều rằng liệu hơi thở có đang ở trên điểm chạm hay không,… Nếu làm vậy, định của bạn sẽ nhanh chóng yếu giảm, lúc đó bạn sẽ thấy lại mũi, mặt, v.v… Do bởi nguyên nhân đó, khi định của bạn trở nên sâu hơn, hơi thở và tâm thường ở với nhau, lúc đó sẽ không còn thấy điểm chạm. Lúc đó, đừng có đi tìm điểm chạm, chỉ chú tâm đến hơi thở mà thôi.
Giọng nam: Có phải lúc này Ngài muốn nói, đối tượng hơi thở chỉ còn là một khái niệm?
Sayadaw: Đúng vậy.
Giọng nữ: Thưa Ngài, có lúc, không thấy Nimitta, nhưng mình có thể thấy ánh sáng, và mình cứ tiếp tục (tập trung trên hơi thở), mà không lo nghĩ về điều gì khác ạ?
Sayadaw: Đúng vậy. Ánh sáng trí tuệ và ánh sáng của Nimitta là khác nhau, nhưng chúng là cùng một nguồn. Cùng một nguồn có nghĩa là cùng do tâm định khởi lên nương nơi sắc ý căn (heart-base) hay tâm cơ phát sanh ra. Bất kỳ tâm nào khởi sanh dựa vào sắc ý căn đều tạo ra các Kalāpa – được dịch là các tổng hợp sắc nhỏ li ti - do tâm sanh. Các hạt tổng hợp sắc này (gọi tắt là Kalāpa) lan tỏa khắp thân. Một sát na tâm có thể tạo ra vô số Kalāpa. Nếu phân tích các Kalāpa này, có 8 yếu tố sắc là: đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng tố. Trong số đó có yếu tố màu. Màu lúc này phát sáng tùy thuộc vào năng lực định và tuệ căn của quý vị. Tâm định luôn kết hợp với tuệ căn (The concentrated mind is always associated with wisdom faculty). Khi tuệ căn sung mãn (mạnh), ánh sáng trở nên rất mạnh, ánh sáng trở nên sáng hơn và mạnh hơn. Trong mỗi Kalāpa do tâm sanh, còn có yếu tố lửa, hay được gọi là nhiệt (utu). Nhiệt đó còn tạo ra thế hệ các Kalāpa mới. Khi định trở nên sâu hơn và mạnh mẽ lên, tăng thượng tâm này có thể sản sinh ra các Kalāpa do tâm sanh. Trong các Kalāpa này, yếu tố lửa hay nhiệt trở nên nổi trội, yếu tố nhiệt nổi trội này còn sản sinh ra tiếp các Kalāpa mới, các Kalāpa này trở nên nổi trội hơn. Nếu phân tích các hạt Kalāpa này, mỗi hạt Kalāpa có 8 loại sắc, trong số 8 loại sắc này có màu, màu lúc này cũng sáng. Do vậy sự kết hợp của 2 loại màu, màu trong Kalāpa do tâm định sanh và màu trong Kalāpa do nhiệt sanh, trở nên rất sáng, ánh sáng trí tuệ (the light of wisdom), tỏa khắp thân, bao bọc quanh thân.
Còn Nimitta, Nimitta cũng do tâm sanh, tâm quý vị có thể sản sinh ra hơi thở. Nếu quý vị có thể phân biệt tứ đại trong đối tượng hơi thở, sẽ thấy hơi thở không là gì ngoài một nhóm các tổng hợp sắc nhỏ li ti, Kalāpa. Nếu phân tích tiếp các tổng hợp sắc này, có 9 loại sắc : đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất và âm thanh thở (breathing sound) (đoạn 18:00), tộng cộng là 9. Trong số 9 loại sắc tố đó, còn có màu, màu cũng trở nên sáng khi định sâu hơn. Về hơi thở, nếu quý vị hành thiền phân tích tứ đại (4 elements meditation) trong hơi thở một cách hệ thống, quý vị sẽ thấy được vô số Kalāpa, vô số các tổng hợp sắc. Sự kết hợp màu của Kalāpa này với màu của Kalāpa kia trở nên dày đặc, trở thành Nimitta. Nhưng Nimitta đối với vài người còn xuất hiện bên ngoài lỗ mũi. Ngoài lỗ mũi, Nimitta thường là màu của Kalāpa do nhiệt sanh, nhiệt đó ở trong Kalāpa do tâm sanh. Nhiệt này tiếp tục sanh ra các Kalāpa mới. Màu của các Kalāpa trở thành Nimitta. Vì vậy nguồn gốc sinh ra chúng là giống nhau, nhưng ánh sáng trí tuệ và Nimitta là hoàn toàn khác nhau, Khi hơi thở trở thành ánh sáng, thì ánh sáng này mới được gọi là Nimitta.
Nhưng ánh sáng trí tuệ thì bao bọc quanh thân hình, trong mọi hướng. Vậy chúng khác nhau. Đối với một số người, khi họ hành Ānāpānasati, họ có thể cảm nhận được ánh sáng trí tuệ. Một vài thiền sinh có thể thấy Nimitta trước. Do vậy họ là hai nhóm thiền sinh khác nhau. Nhưng ánh sáng, khác nhau chỗ nào? Khi hơi thở trở thành Nimitta, ánh sánh trí tuệ có ở chỗ này, ở chỗ này, ở chỗ này, v.v. (Ngài đưa tay chỉ quanh đầu), trong mọi các hướng khác nhau. Nhưng ánh sánh trí tuệ không phải là đối tượng thiền của quý vị, Chỉ có Nimitta mới là đối tượng thiền của quý vị mà thôi. Vậy nên để chắc chắn nắm rõ và phân biệt được về Nimitta và ánh sáng trí tuệ, quý vị chỉ nên chú tâm trên đối tượng hơi thở thôi, khi đối tượng này trở nên trắng và sáng, thì nó được gọi là Nimitta.
Giọng nữ: Vậy thưa Ngài, Nimitta sau đó trở thành ánh áng sang trí tuệ ạ? Liệu một thiền sinh có thể ban đầu có được Nimitta, và sau đó Nimitta trở thành ánh sáng trí tuệ ạ?
Sayadaw: Ồ, không phải vậy. Với những người mới bắt đầu, có thể với một vài thiền sinh, hơi thở trở nên màu trắng, màu trắng và hơi thở hợp nhất lại cùng nhau, hơi thở là màu trắng và màu trắng là hơi thở, chúng là một, đây gọi là Nimitta. Lúc ấy ánh sáng trí tuệ cũng khởi sinh ở quanh thân. Với vài thiền sinh, ánh sáng trí tuệ có ở đây, ở đây, ở đây..v.v., nó có thể sinh lên ở các hướng khác nhau với những người mới bắt đầu. Nhưng khi định trở nên sâu hơn, ánh sáng trí tuệ sẽ có ở mọi hướng. Nhưng lúc ấy chúng là hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như đây là Nimitta (Ngài chỉ vào 1 chỗ bên ngoài minh họa), thì ánh sáng trí tuệ ở đây, chúng hoàn toàn khác nhau. Ý của tôi là Nimitta không thể sinh ra ánh sáng này, ánh sáng này là do Tuệ căn tương ưng với Định sanh. Tuệ căn đó có thể tạo ra ánh sáng.
Giọng nam: Liệu Nimitta có thể kết hợp với ánh sánh trí tuệ trở thành một chăng hay liệu chúng có thể được sử dụng như nhau?
Sayadaw: Thường thì không như nhau. Diễn đạt cách khác, Nimitta là do tâm định sanh, ánh sáng trí tuệ cũng do tâm định sanh. Nguồn sanh giống nhau. Song điều gì là khác ? Ánh sáng trí tuệ thì ở mọi hướng, có thể đối với một số hành giả, nó tỏa rất xa, đến vài dặm, hoặc phủ khắp vũ trụ hoặc đến các vũ trụ khác. Ví dụ như ĐĐ Anuruddha chẳng hạn, khi đang khai triển thần thông, định này có thể sinh ra ánh sáng phủ khắp cả ngàn thế giới… Đây mới là ánh sáng trí tuệ, tỏa khắp châu thân. Nhưng Nimitta thì chỉ ở đây thôi (Ngài chỉ vào trước mũi), Nimitta của Ānāpāna chỉ hòa quyện với hơi thở tự nhiên tại đây thôi.
Giọng nữ: Thưa Ngài, vậy nó có nghĩa Nimitta là màu từ các hạt sắc nhỏ li ti của thân hơi thở?
Sayadaw: Đúng vậy. Trước khi thấy được các sắc cùng tột (hay sắc chân đế) trong đối tượng hơi thở, khi ấy bạn có thể chỉ thấy Nimitta như là một khối màu dày đặc của đối tượng hơi thở mà thôi. Nếu quý vị có thể hành thiền phân biệt tứ đại một cách hệ thống trên Nimitta, lúc đó quý vị không còn thấy khối màu kết chặt nữa, mà chúng sẽ vỡ ra, bao gồm thành các hạt nhỏ li ti, các tổng hợp sắc. Lúc ấy nếu quý vị có thể tiếp tục phân tích các tổng hợp sắc này, quý vị sẽ thấy chỉ có sắc chân đế.
Giọng nữ: Vậy như Ngài nói, Nimitta là vật sáng, nó không phải là đối tượng của thiền Minh sát như chúng ta vẫn thường quán về khổ, vô thường…?
Sayadaw: Nimitta chỉ là đối tượng của thiền Định, không phải là đối tượng của thiền Minh Sát. Nếu quý vị muốn hành loại thiền Minh Sát, quý vị phải phân biệt tứ đại, đất, nước, lửa, gió, v.v.. trong hơi thở. Lúc đó quý vị sẽ thấy hơi thở không là gì mà chỉ là một nhóm hạt nhỏ li ti, các tổng hợp sắc (THS). Lại nữa, nếu tiếp tục phân tích các THS, quý vị sẽ trực tri được sắc chân đế. Lúc ấy không có Nimitta, hơi thở không thể trở thành Nimitta.
Giọng nữ: Vậy khi Ngài mô tả cái ánh sáng quanh đầu, độ sáng như thế chỉ được sinh ra trong khi hành thiền định, chứ không được sinh ra trong thiền Minh sát ạ ?
Sayadaw: Có chứ, cả thiền minh sát cũng tạo ra ánh sáng này, cả thiền định nữa.
Giọng nữ: Con còn câu hỏi nữa. Khi hành thiền làm cách nào để chống lại cảm giác buồn ngủ khi cơn buồn ngủ kéo đến, có cách nào khắc phục ạ ?
Sayadaw: Quý vị nên thử cách này (Ngài dùng tay xát vào hai lỗ tai, trên đầu…). Có thể nếu quý vị chà xát vào hai tai, vào đầu, cơn buồn ngủ sẽ biến mất, nếu không ổn nữa, nên mở mắt nhìn ánh sáng, như ánh sáng mặt trời v.v..., khi nhìn ánh sáng vài phút, 5 hay 10 phút, cơn buồn ngủ có thể biến mất. Có khi quý vị có thể ôn lại Bài kinh nào đó mà mình từng học thuộc lòng trọn Bài như Bài Kinh Chuyển Pháp Luân Dhammacakkapavattāna sutta hay Bài Kinh Vô Ngã Tướng Anatta lakkhaṇa sutta. Nếu quý vị không có Bài kinh nào, quý vị có thể đứng dậy, đi kinh hành. Nếu vẫn không hết buồn ngủ, quý vị có thể đi rửa mặt…
Giọng nữ: Thưa Ngài, ý Ngài muốn nói rằng có thể chống lại trạng thái này, nếu mình ôn lại Bài kinh nào đó ạ ?
Sayadaw: Bài kinh nào mà quý vị đã từng học qua, như Kinh Vô Ngã Tướng Anatta Lakkhaṇa Sutta, v.v.. rất nhiều Bài, nhưng nên đọc thầm trong tâm thôi.
Giọng nam: Thưa Ngài, Ngài dạy rằng, khi hành Ānāpānasati, đừng có nghĩ đến điểm chạm. Xong, có thể con còn mới quá, nên đôi khi cá nhân con cần đặt tâm đụng đến đến điểm của đối tượng để khiến con cảm thấy là con đang tập trung đến đối tượng. Thực hành như vậy có sai không thưa Ngài ?
Sayadaw: Không, không vấn đề gì.
Giọng nam: Không sao ạ? Dần già điểm chạm tiêu mất?
Sayadaw: Từ từ khi định của quý vị sâu hơn, quý vị có thể sẽ quên điểm chạm, quý vị có thể không cảm giác sự xúc chạm nữa. Có thể quý vị chỉ còn cảm thấy hơi thở, lúc ấy là tốt. Tại sao chúng ta lại cố định sự chú tâm vào hơi thở tại điểm chạm? Chỉ để khỏi theo hơi thở vào trong hay ra ngoài mà thôi.
Giọng nam: Vì thỉnh thoảng con cảm thấy mình mất đối tượng, con tự nhắc rằng mình hành thiền là để tâm liên hệ đến đối tượng. Như vậy có được không ạ?
Sayadaw: OK.
Giọng nam: Thưa Ngài, nếu mình thấy điểm xúc chạm hay cảm giác xúc chạm, lúc đó tâm của mình có thể dễ bị trượt đi. Vậy làm cách nào có thể biết rõ 100 lần rằng tâm mình đã thực sự trôi đi ?
Sayadaw: Nếu quý vị không hiểu rõ đối tượng hơi thở hay nếu quý vị không tập trung trên đối tượng hơi thở, quý vị sẽ có thể dễ dàng hiểu là mình đang có phóng tâm. Nếu tâm phóng đi, hãy tức thời tập trung tâm trở lại trên hơi thở ở đây, càng nhanh càng tốt.
Giọng nam: Liệu có thể hành đề mục Kasiṇa Trắng (biến xứ trắng), không cần tham khảo bộ xương? Vì nó đã nằm trong ba-la-mật đời trước, nên Kasiṇa trắng trở nên dễ dàng, con không cần tập trung trên bộ xương để hình dung biến xứ. Liệu có thể được chăng ?
Sayadaw: Được, nếu nó đã có sẵn trong ba-la-mật đời trước của quý vị.
(Sayadaw hồi hướng)
______________________