Nhặt Lá Rừng Xưa
Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Sīlaguṇa-Mahāthera)
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng (Phật lịch 2558 – 2015)
Nguồn: thuvienhoasen.org
___________________
MỤC LỤC |
01. Thư Xả 02. Trở Về Mái Nhà Xưa. 03. Hiểu Chánh Niệm Cho Đúng 04. Thở Thuộc Về Thân 05. Thở Thuộc Về Cảm Thọ 06. Thở Thuộc Về Tâm 07. Thở Về Quán Pháp 08. Nhớ Thở Nhé! 09. Thiền Định 10. Hơi Thở Định 11. Thấy Ngay Lập Tức 12. Thử Bàn Về Trí & Ngu 13. Nguyện Lực 14. Những Chuyện Nho Nhỏ 15. Nơi Thích Hợp Để Tu Thiền 16. Tâm Tánh & Sự Tu Tập 17. Tu Theo Tánh Của Mỗi Người 18. Học Phật Mà Không Chịu Trưởng Thành 19. Năm Mới & Chuyện Cũ, Mới 20. Những Câu Hỏi Tế Vi 21. Duyên Khởi Ngoại Giới, Duyên Khởi Nội Tâm 22. Ngũ Uẩn Giai Không 23. Tôi Đọc Kinh Di Đà 24. Người Khất Thực 25. Những Chi Tiết Dị, Đồng
|
___________________
Lời Thưa
Thuở xưa, đức Phật với nắm lá trong tay, hỏi chư tỳ-khưu rằng: “Số lá trong bàn tay của Như Lai, so với lá trong rừng, ở đâu nhiều hơn?” Khi chư tỳ-khưu đáp “Lá trong rừng nhiều hơn”, đức Phật bèn nói tiếp: “Cũng vậy, những thấy biết của Như Lai nhiều như lá cây trong rừng, nhưng những điều Như Lai đem ra giảng nói chỉ như nắm lá ít ỏi trong bàn tay này thôi! Tại sao vậy? Vì những điều không cần thiết, những điều không đem đến cho chúng sanh thấy khổ và diệt khổ, không đem đến giải thoát tham ưu và phiền não ở đời, Như Lai không nói, Như Lai không thuyết!”
Và với một số ít lá trong tay đức Phật giảng nói kia, sau gần 2600 năm, bây giờ tản mác khắp nơi, nhảy vào từ điển, tự điển, chú giải, phụ chú giải, thư viện kinh sách, giáo hệ, giáo tông, triết lý, triết học... khắp mọi châu lục, đã biến thành nhiều khu rừng xanh um ngữ nghĩa thật là quy mô và hoành tráng! Những khu rừng ấy, người ta muốn giảng cả những điều đức Phật im lặng; giảng cả những điều để chứng tỏ mình “cao siêu” hơn, “tư tưởng”hơn, “triết học” hơn, “khoa học” hơn, “hiện đại” hơn đức Phật! Do vậy, người học Phật ngày nay lầm lũi đi vào“những khu rừng hiện đại” ấy, mong nhặt được chiếc lá “chân diện mục” cổ xưa rơi rớt lại thì xem như đáy biển mò kim!
Tôi đặt tên cho tập sách này là “Nhặt Lá Rừng Xưa” trong tinh thần ấy, cũng tựa như “đi tìm dấu chân trên cát, tượng mây giữa trời”, có phải thế chăng?
Ngoạ Tùng Am, Rừng Thiền HKST
Sơ Xuân Ất Mùi - 2015
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
___________________