Vô Ưu - No Worries
Luang Por Liem
Chuyển ngữ từ Anh sang Việt:
Diệu Liên Lý Thu Linh
Nguồn: thuvienhoasen.org
____________________
MỤC LỤC |
1. Các Bài Pháp Ngắn 3. Hỏi Đáp Với Thiền Sư |
____________________
Ở tuổi này, mỗi lần bắt đầu chọn dịch một quyển sách tôi lại có thêm một nỗi hồi hộp. Xưa thì chỉ hồi hộp sợ mình không đủ ‘tay nghề’ để dịch. Giờ thêm nỗi hồi hộp sợ mình ‘đứt bóng’ giữa chừng.
Đứt bóng không chỉ có nghĩa là đột tử mà còn bao thứ biến cố khác chực chờ chúng tôi, những người đã bước qua ngưỡng U60 - 70. Đột nhiên cái tay, cái chân như con ngựa chứng nằm ì không nhúc nhích. Đột nhiên một buổi sáng đẹp trời, ngồi dậy không nhớ mình là ai, đang ở đâu, nói gì đến cuốn sách đang dịch. Đột nhiên cái kính từng đeo mắt sáng rỡ bỗng cứ mờ mờ đến phát sân… Đột nhiên tuổi già đã đến…
Vì thế, bây giờ mỗi lần hoàn thành được một quyển sách là vô cùng hạnh phúc, vô cùng biết ơn.
Hạnh phúc vì chưa đứt bóng giữa đường, vì hoàn thành được thêm một tâm nguyện. Biết ơn vì chư thiên, người thân, bạn đạo ở tứ phương đã hỗ trợ mình từ tinh thần đến vật chất. Cho đến cô cháu nhỏ cũng giúp vẽ cho mình một cái bìa thật dễ thương. Đặc biệt cảm ơn quý đạo hữu hùn phước ấn tống và đạo hữu Nguyễn Thị Đấu - Diệu Định đã cần mẫn dò lỗi chính tả trong sách.
VÔ ƯU
Hạnh phúc vì mình được biết Phật pháp, biết cố gắng hiểu lời Phật dạy, biết cố gắng hành theo những lời dạy đó và nhất là có thể chia sẻ với người khác những gì mình vừa tìm thấy. Biết ơn Phật đã chịu bao khổ nhọc để truyền lại cho mình những kinh nghiệm tu tập. Cũng như biết ơn thiền sư Luang Por Liem đã viết lên cuốn sách tuy ngắn gọn, nhưng có bao điều để mình học, mình hành. Phương tiện đã sẵn bày….
Xin hồi hướng công đức trong sạch mà chúng con đã làm đây đến tất cả mọi loài chúng sanh. Mong cho mọi người được an lạc, được hạnh phúc, được luôn biết đến Phật pháp qua bao đời sinh tử…
Nay kính,
Diệu Liên Lý Thu Linh
2019 - ltl0731@yahoo.com
TB: Đúng như tôi dự đoán, tôi bị trụy tim sau đây, nhưng vì có nhiều đạo hữu đã gửi tiền hùn phước, nên xin vẫn ra sách, dầu chắc chắn là với nhiều sai lầm. Xin mọi ngưới thứ lỗi cho. Nhất là nếu danh sách ấn tống, không hoàn chỉnh, thiếu sót…
____________________
Luang Por Liem Thitadhammo[1], một tăng sĩ Phật giáo theo truyền thống tu trong rừng (Lâm tế - Forest Monastery), sinh ở tỉnh Sri Saket thuộc Đông Bắc Thái Lan vào ngày 5 tháng 11, 1941. Sau khi thọ đại giới ở tuổi 20, ngài tu học ở một số chùa làng khắp vùng Đông Bắc cho đến khi gia nhập hệ phái tu trong rừng (Forest Tradition) năm 1969. Luang Por Liem tu học dưới sự hướng dẫn của cao tăng Luang Pu Chah (Ajaan Chah), người sau này trở thành một trong những vị sư nổi tiếng nhất trong nước, và tiếng tăm, ảnh hưởng của ngài còn lan khắp thế giới, cho đến tận ngày nay.
Sống dưới sự hướng dẫn, dạy dỗ của ngài Luang Pu Chah tại Wat Nong Pah Pong, và tại tu viện ở tỉnh Ubon, Luang Por Liem nhanh chóng trở thành một trong những vị đệ tử thân cận nhất của Ajaan Chah.
Khi Luang Pu Chah bị bệnh nặng vào năm 1982, ngài giao cho Luang Por Liem điều hành tu viện. Rồi bệnh càng tăng khiến lão sư Luang Pu Chah không thể nói nữa, tăng đoàn tại Wat Nong Pah Pong đã chỉ định Luang Por Liem đảm nhiệm vai trò vị trụ trì. Luang Por Liem đã nhận lãnh trách nhiệm này cho đến hiện tại, duy trì truyền thống của sư phụ Luang Pu Chah và các phương cách tu tập cho tăng, ni, cư sĩ.
Không lâu sau khi Luang Por Liem được sáu mươi, gần mười năm sau khi sư phụ Luang Pu Chah mất, ngài được nhà vua Thái Lan trao tặng danh hiệu Tan Chao Khum Visuddhisaṁvara Thera[2]. Đối với tăng đoàn tại Wat Pah Nanachat (Tu viện Lâm Tế Quốc tế dành riêng cho các vị sư ngoại quốc của ngài Luang Pu Chah), Luang Por Liem không chỉ là một vị thầy, một người hướng dẫn đáng tôn quý, mà trong suốt mười năm còn đảm nhiệm vai trò của vị sư tế độ trong tất cả các nghi thức xuất gia tại tu viện.
____________________
LỜI NÓI ĐẦU
Nửa đầu quyển sách là tổng hợp các bài pháp thoại của Luang Por Liem Ṭhitadhammo giảng tại Úc khi ngài viếng thăm nơi này vào tháng Năm, 2004 (Phật lịch 2547). Các bài giảng bằng tiếng Thái, với nhiều gián đoạn để dịch sang tiếng Anh sau đó. Vì cách trình bày đặc biệt này, các bài pháp bị rời rạc từng khúc. Trong suốt chuyến đi, chúng được chọn lựa và tổng hợp lại với các tựa ngắn riêng như trong sách này, hơn là chọn một hay hai bài nói chuyện trọn vẹn. Chúng tôi hy vọng rằng việc biên tập, cắt ngắn và tổng hợp chúng sẽ tạo được một hình ảnh khá tròn đầy về tất cả các chủ đề và ẩn dụ mà Luang Por Liem đã trình bày trong 30 bài nói chuyện, trả lời các câu hỏi trong suốt ba tuần của cuộc viếng thăm.
Luang Por Liem được Tu viện Bodhivana ở
Phân nửa còn lại của sách phần lớn là dịch từ Tiểu sử Luang Por Liem ở Thái, gọi là “Ṭhitadhammajahn” (2002/2545). Các tài liệu được chọn phác họa sự tiến triển trên con đường đạo của Luang Por Liem, vì thế nhiều mẩu chuyện, giai thoại lý thú trong cuộc đời của một tăng sĩ tu ở rừng, vùng quê Đông Bắc Thái Lan không được tuyển chọn.
Truyền thống Lâm tế Thái Lan không nhấn mạnh về lý thuyết, nhưng đề cao việc ứng dụng, thực hành. Do đó, việc dịch thuật thường phải đối mặt với vấn đề tìm một sự quân bình giữa sự chính xác về kỹ thuật và tâm ý của những gì đã được nói ra. Nhiều thuật ngữ Pali cũng có ý nghĩa hoàn toàn khác trong ngôn ngữ đời thường của tiếng Thái, là ngôn ngữ được sử dụng trong các bài Pháp thoại của các tăng sĩ Lâm tế. Đa số độc giả có thể không quen thuộc với cách hành văn chi tiết trong các bài Pháp theo truyền thống Lâm tế, qua đó các vị giảng sư có thể thuyết không chuẩn bị trước, không giới hạn đề tài, trong lòng nghĩ gì nói ra thế đó, phát xuất từ kinh nghiệm bản thân hơn là quan điểm có tính bác học. Nếu có nghi hoặc hay thắc mắc phát khởi, người ta thường được khuyên là, nếu muốn hiểu thêm những gì đằng sau lời giảng thì bạn phải tự mình thực hành, tìm hiểu. Điều này rất phù hợp với câu châm ngôn tâm đắc của Luang Por Liem:
Hãy quan sát, khám phá
Cho nó tiếng nói,
Ứng dụng nó, cho nó sự sống.
Chúng tôi hy vọng rằng quyển sách này là nguồn phấn khích để các độc giả đưa Pháp vào ứng dụng. Chúng tôi thành thật xin lỗi về bất cứ thiếu sót, sơ suất nào có thể có trong sách và - cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng - xin cảm ơn các vị tăng và cư sĩ tại Wat Nong Pah Pong, tu viện Bodhivana, và Wat Pah Nanachat đã giúp đỡ trong việc xuất bản sách này.
“Tâm thái nhẹ nhàng…, nhẹ nhàng trong mọi hoàn cảnh
Mọi phiền muộn, âu lo hay những điều như thế không có sẵn trong tâm”.
Các Dịch giả tại Wat Nong Pah Pong, tháng Sáu Phật lịch 2548 (2005).
____________________
VoUu.pdf (Nguyên Tập)
NoWorries.pdf (Whole Book)
____________________