Tâm Bất Sinh - Bankei Zen
Bankei Yōtaku (1622-1693)
Translated by: Peter Haskel
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt
Source-Nguồn: terebess.hu, thuvienhoasen.org
____________________
04. Thơ Hoa ngữ và Nhật ngữ
THƠ HOA NGỮ
Dạy chúng
Săn đuổi danh từ chữ nghĩa bao giờ xong?
Mệt nhoài theo tri thức, thành đa văn
Tự tính rỗng chiếu , hãy để mọi sự tự xếp đặt
Không có gì khác để tôi truyền cho các ông.
Ngẫu hứng
Chê không giận, khen không mừng,
Một khối ngu lớn trong vũ trụ
Tùy duyên đi khắp nam bắc đông tây
Không giấu sự xấu vụng của tôi giữa trời đất.
Chỉ giáo cho một nhà nho
Nó trải khắp quá khứ hiện tại, bao trùm vũ trụ
Nhìn không thấy, nhưng gọi nó sẽ trả lời
Một cây đàn không dây, bản nhạc vô thanh
Không liên can gì đến tăng hay tục.
Năm mới
Có gì quan trọng năm mới hay năm cũ?
Tôi duỗi chân nằm ngủ an nhiên
Chớ bảo sao thầy không giảng dạy
Đó đây tiếng họa mi hót: tối thượng thiền!
Dạy cho một nho sinh
Đại đạo không phân biệt nhập thế siêu thế
Phật Khổng ở tận nguồn không khác nhau
Khi trực nhập, vượt ngoài văn tự
Thì gió mát thổi trên mỗi bước ta đi
Dạy chúng
Tâm tùy duyên nhưng không sinh không diệt
Cổ đức thường ca tụng đây là tọa thiền
Người ngu ngồi mòn tọa cụ chờ giác ngộ
Thì cũng như mài gạch muốn thành gương.
Chỉ giáo về thuật ném lao cho cư sĩ Gessò
Đại dụng không có quy luật cố định
Ứng xử tùy hoàn cảnh,
không sớm không muộn
Ném tới, rút về, tiến và lùi -
tất cả xảy ra ngoài tư tưởng
Khi bạn hòa hợp với TÂM,
thì tay chân tự vận hành.
____________________
THƠ NHẬT NGỮ
Bài thuyết pháp của vật vô tình
Mùa xuân hoa đào nở
Mùa thu có lá rơi
Cảnh sắc tự nhiên của trời đất
Tất cả đều là ngữ ngôn của diệu pháp
Ngẫu hứng
Thiện thật kinh khủng
Ác cũng kinh khủng
Sự vật và biến cố
Chỉ là do duyên sinh
Thiền thất của tôi
(Bài thơ này có lẽ được sáng tác vào lúc Sư 13-14 tuổi, thời gian bị anh đuổi ra khỏi nhà vì tội hay trốn học. Cuối cùng một người bạn cũ của gia đình, làm lý trưởng khu làng lận cận, thấy tình cảnh Sư nên đã xây cho Sư một cái chòi trên đỉnh núi để nhập thất. Thiền thất này ngự trị trên một quang cảnh kỳ bí của vùng biển nội địa và quần đảo Ejima đối diện bờ biển.)
Khi tôi nhìn xung quanh
Sương mù đã phủ
Qua những lớp sương dày
Hoặc qua làn sương mỏng
Mùa xuân ló dạng trên quần đảo Ejima
Bài ca về tâm bản nhiên
(Dường như Bankei đã sáng tác loạt bài thơ này vào năm 1653 khi Ngài đang nhập thất trong núi Yoshino. Có nhiều cách xếp đặt khác nhau về những đoạn trong đây, nên chúng ta không biết hình dạng bài thơ nguyên ủy như thế nào. Có chỗ cho rằng Bankei làm bài này để giảng dạy cho những trẻ làng. Lại có người giải thích rằng trong một kỳ hạn hán khắc nghiệt tại khu vực này, Bankei đã cùng với dân làng già trẻ hát lên những vần thơ này cùng với vũ điệu tại ngôi chùa ở địa phương. Kết quả một trận mưa trút xuống tràn trề, và từ đấy về sau, trong làng ấy, có truyền thống cử hành bài hát cầu mưa của Bankei. Vì lý do đó bài thơ này còn được gọi là "bài ca cầu mưa" hay là "bài vũ ca". Nhưng người ta không rõ vì sao đôi khi nó được gọi là "bài ca xay bột", một loại bài hát được hát lên trong lúc xay bột.)
Bất sinh bất diệt
Là cái bản tâm
Địa thủy hỏa phong
Chỗ đêm trú tạm
Vì vướng cái này
Một gian nhà lửa
Chính bạn châm ngòi
Đốt mình ra lửa
Hãy tìm trở lui
Về thời gian ấy
Khi bạn mới sinh
Nhớ được chút gì?
Hãy để tâm bạn
Như mới lọt lòng
Thì thân tâm này
Là một vị Phật
Tất cả ý nghĩ
Gì tốt gì xấu
Đều phát sinh từ
Cái ngã mà ra
Hỏa lò về đông
Thật là thú vị
Nhưng qua mùa hạ
Nóng bức làm sao
Ngọn gió mát mẻ
Mùa hè bạn yêu
Qua hết mùa thu
Nó thành nỗi khổ
Khi bạn có tiền
Bạn khinh kẻ nghèo
Bạn đã quên sao
Hàn vi thuở ấy?
Tiền bạn tích lũy
Với tâm tham lam
Bị quỷ đói giật
Bạn đâm kinh hoàng
Bỏ cả cuộc đời
Chạy theo tiền bạc
Đến khi nhắm mắt
Tiền của ích gì?
Tham lam chấp thủ
Tâm tôi toàn không
Nên thế gian này
Thuộc về tôi cả!
Bạn mong nhớ người yêu
Chỉ trong thời hiện tại
Nhưng lòng mong nhớ ấy
Có trước họ ra đời
Khi bạn nhớ người nào
Là bạn không thể quên
Nhưng không nhớ họ
Là chưa từng quên
Khi nhìn lại quá khứ
Thấy như một giấc mơ
Nhận thức được vậy rồi
Thấy mọi sự giả dối
Những người thấy đắng cay
Trong cuộc đời chìm nổi
Là tự làm khổ mình
Vì một giấc chiêm bao
Cuộc thế phù hư
Thảy đều không thật
Đừng đeo việc đời
Nào, ta múa hát!
Chỉ cái tâm bản lai
Trùm quá khứ vị lai
Đừng đeo đẳng vật gì
Hãy nên buông bỏ hết
Tâm không bám víu vật
Đời phù hư chấm dứt
Không còn một vật gì
Ấy nghĩa là Phật sống
Tâm quỷ trong bạn
Tự tác tự thọ
Nó hành hạ bạn
Thì chớ trách ai.
Khi bạn làm sai
Tâm bạn là quỷ
Ngoài ra không có
Quỷ nào ngoài tâm
Chán ghét địa ngục
Khao khát thiên đường
Là tự khổ mình
Trong thế giới vui
Tưởng rằng điều thiện
Nghĩa là ghét ác
Nhưng chính tâm ghét
Mới là không lành
Bạn cho rằng thiện
Nghĩa là làm lành
Nhưng thật xấu xa
Cái tâm nghĩ vậy!
Thiện cũng như ác
Vo tròn một khối
Gói vào giấy bao
Ném hết xuống hào
Diệu dụng thần thông
Toàn là không có
Đừng tìm kiếm gì
Kỳ quan nở rộ
Con ma lừa dối
Nó xúi giục ta
Nên xem là thực
Cuộc đời dối giả
Danh tài ăn ngủ...
Năm dục bén mùi
Thì ở trong đời
Chúng làm thầy tổ.
Ý niệm nên hư
Lúc đầu không có
Phấn đấu thị phi
Toàn do bản ngã
Khi đã học hành
Phật pháp rốt ráo
Bạn sẽ thấy mình
Chẳng có thêm chi
Giác ngộ và mê si
Lúc đầu không có gì
Toàn ý tưởng lượm lặt
Bẩm sinh nào có chi?
Nếu nảy ra ý tưởng
Rằng cái tâm giác ngộ
Chính là tâm của tôi
Thì càng thêm lôi thôi
Chẳng bận tâm chút nào
Ngộ hay là không ngộ
Tôi được cái kết quả
Sáng thức dậy khoái sao!
Cầu giải thoát sinh tử
Cho riêng bản thân mình
Là chỉ có chất chồng
Thêm kiêu căng chấp ngã
Nay tôi cũng chán luôn
Cả chuyện cầu giải thoát
Chỉ một việc thong dong
Để hơi thở ra vào
Chết đi rồi sống lại
Ngày và đêm trên đời
Nếu làm được như vậy
Nắm vũ trụ trong tay!
Tội nghiệp thay chư Phật :
Được trang sức cùng mình
Chắc các ngài cũng phải
Quáng mắt vì hào quang
Thật còn quá sớm
Để ta thành Phật
Hãy làm hộ pháp
Đứng gác cổng chùa!
Đi tìm tịnh độ
Cố được đền bù
Thì bạn chỉ thấy
Phật tổ cười cho
Từ lúc khởi thủy
Vốn không kẻ thù
Tự tạo kẻ thù
Tà chánh tranh nhau
Nhân quả rõ ràng
Vì mê không biết
Chính mình đã tạo
Đấy là ngã chấp
Tập quen thói đời
Thế giới phù du
Mê si như vậy
Chính mình thua đau!
Cái tâm vô vi
Bản lai bất sinh
Hữu vi không thực
Nên hết mê lầm
Năm tháng trôi qua
Tâm vẫn không già
Cái tâm như như
Lúc nào cũng vậy
Kỳ thay! Diệu thay!
Khi bạn tìm ra
Cái gì không già
Chỉ có tâm ta!
Cõi nước trong sạch
Trong tâm an bình
Không phải xa xôi
Cách hàng triệu dặm
Khi ai ném cho bạn
Một cái tách uống trà
Hãy khéo léo bắt lấy
Với tâm mềm như tơ.(1)
(1) Ở đây Bankei dường như nói với thính giả: "Tôi truyền cho các bạn giáo lý quý báu này, hãy nhận lấy, đừng bỏ lỡ cơ hội. Nó dễ vỡ như một cái tách quý hiếm, bởi thế hãy nhận nó với một cái tâm nhu nhuyến mềm mại. Nếu nhận bằng một tâm cứng cỏi thì nó sẽ vỡ tan tành."