Vấn Đạo, Vấn Thiền
Phật tử L. Tr.
Kính bạch Thầy!
Thời gian qua con được hữu duyên nghe được những bài Pháp của Thầy.
Dạ hiện tại con gặp khó khăn trong cuộc sống; xin Thầy giúp con để con vững vàng hơn trên con đường học đọc ạ!
Con đang sống cùng con gái đã có chồng, con gái của con rất vô tâm. Con cũng muốn nhẫn nhịn hết để sống cùng vợ chồng nó. Nhưng con thấy nếu con nhẫn hết tất cả những điều không đúng của con gái con thì sẽ càng làm cho bản ngã nó tăng trưởng và sự bê bối của nó ngày càng nhiều hơn. Con góp ý thì nó gạt phăng đi và tình cảm mẹ con thêm phần tồi tệ. Từ lâu con có mơ ước là về vườn cất một căn nhà nhỏ và ở đó làm vườn sinh sống một mình. Nhưng con không biết người nữ mà sống và tự tu sửa một mình như vậy có được không? Trước hoàn cảnh như vậy, con không biết là có nên tách ra sống riêng để thực hiện ý nguyện của mình luôn có được không? Con cũng biết là do nhân duyên xấu của con gây tạo nên giờ con phải bị như vậy. Thầy ôi! con muốn trở về , nhưng con không biết phải bắt đầu như thế nào ạ? Con xin Thầy cho con lời khuyên ạ.
Con thành kính tri ân Thầy và kính chúc Thầy được Pháp thể khinh an!
____________________
Thầy:
Vấn đề của con không đơn giản để có một giải pháp tức khắc và hoản hảo. Thầy sẽ lấy giáo pháp và gợi ý cho con để con áp dụng, thực hành mang lại nhiều lợi lạc.
1- Mẹ thương con biển hồ lai láng, vậy nếu tâm con bao la rộng lớn như biển đông thì có thể bao dung tất cả những lỗi lầm, sai trật của con cái!
2- Vậy là con của con cứng đầu, ương ngạnh, luôn cho mình phải, mình đúng, không muốn nghe theo lời khuyên của ai, dù là lời khuyên tốt - thì " bản ngã" con của con đã dày sâu lắm rồi - không còn cách chi để nói chuyện trực tiếp được nữa.
3- Vậy thì ta sẽ sử dụng năng lực gián tiếp; và bước tuần tự như sau:
- Mỗi sớm thức dậy, mỗi đêm trước khi ngủ con phải tập ngồi thiền chừng 30 phút, chỉ ngồi thư giãn, buông xả, để tâm rỗng rang và hít thở tự nhiên thôi, như ngồi tĩnh tâm vậy. Sau 30 phút xả thiền, con nhìn vào hình con gái (chuẩn bị sẵn) rồi thầm nói với cái ảnh rằng: Con ạ, ương ngạnh, cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn... sẽ đưa đến nghiệp quả đau khổ thôi! Mẹ nguyện cầu cho con an lành, hạnh phúc để sống một đời mềm mỏng, dịu dàng và hiền ngoan hơn!
Chỉ cần mươi phút nói thầm với bức ảnh như thế.
- Bước thứ 2: là bỏ ảnh, tưởng hình bóng con gái trong tâm rồi cũng nói thầm đoạn văn trên.
Bước 1 mười ngày, bước 2 mười ngày.
Trong thời gian 20 ngày đó, con luôn trú tâm Nhẫn; con gái nói chi cũng nhẫn nại chịu đựng, mỉm cười im lặng thôi. Nếu con Nhẫn vẫn cảm nghe khó chịu trong lòng thì tu thêm tâm Xả; con cứ nói thầm trong tâm "xả đi, buông đi; xả đi, buông đi!".
- Bước thứ 3: mười ngày tiếp theo, cũng ngồi thiền như vậy, con cũng nói với hình ảnh con gái trong tâm rằng: Cầu nguyện cho con luôn được an vui, hạnh phúc. Cũng mỗi lần 10 phút như thế.
Con à, khoa học tâm lý Tây phương rất tiến bộ. Một đứa bé cứng đầu, ngang ngạnh, khó dạy, khó bảo... người mẹ kiên nhẫn nói vào tai trẻ (khi nó đang ngủ) rằng: Ôi con tôi hiền lắm, ngoan lắm, dễ dạy, dễ bảo lắm. Trẻ ngủ nhưng tiềm thức nó ghi nhận; và lâu ngày tích luỹ, chính tiềm thức đã chuyển hoá ý thức nên trẻ tự động hiền, ngoan, dễ dạy, dễ bảo.
Khoa học tâm sinh vật lý hiện đại đã tiến dần đến, khảo sát và tiếp cận được Năng Lực Của Tâm từ ngàn xưa của Phật giáo. Thật ra, không cần nói thầm bên tai, mà nói với hình bóng trong tâm tưởng cũng được. Tứ vô lượng tâm của Phật học cũng bắt đầu từ nền tảng này (Con tìm trên mạng để đọc thêm quyển Thông điệp của Nước hay từ khoá Năng lực của Nước của một nhà khoa học Nhật Bản để rõ thêm về lãnh vực này).
Bước thứ 4: Nếu sau một tháng con đi 3 bước mà không thành công thì nghe lại câu nói của đức Phật: Kẻ cứng đầu, cố chấp, kiêu căng, tự phụ như một cố tật sâu dày thì 10 mặt trời chân lý cũng không xuyên thủng được.
Vậy nên, đến đây, nghĩa là con đã làm hết sức mình mà không cảm hoá được, thì bỏ. Con hãy tìm an vui cho chính mình. Con về vườn, cất một gian nhà nhỏ, an tĩnh độc cư. Nó rất tốt cho con cả hiện tại và tương lai. Nhưng muốn vậy thì có phải có đủ 3 điều kiện: Tự nuôi sống mình được, cô đơn được và pháp hành trong tâm. Sống như vậy không khác gì bậc xuất gia nhỉ, con nhỉ!
Với tâm từ!
Chúc con như sở nguyện.
Thầy,
Giới Đức.