Vấn Đạo, Vấn Thiền:
BI - Đức Quốc:
Kính bạch Thầy!
Trong năm giới của Phật tử tại gia, giới không uống rượu có nghĩa là một ngụm cũng không được uống đúng không ạ ? Hay là chỉ không được uống say?
Có đôi lúc trong tâm con khởi lên một niệm tham chẳng hạn như một cái áo đẹp thì con nhìn thấy nó, con khởi tâm sám hối ngay. Vì con hành trì theo Đại Thừa nên con niệm "Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát". Nhưng không phải lúc nào con cũng nhận ra ngay những niệm tham và sân dấy lên. Nó quậy con tung hoành cho đã con mới nhận ra thì đã quá muộn. Con phải làm sao để thường tỉnh giác, nhận ra tâm niệm tham sân của mình ạ ?
Dạ Phật tử tại gia chúng con ai cũng ít nhiều tạo nghiệp và bệnh tật. Có đôi lúc con đọc trên mạng, người ta dạy ai ốm đau bệnh tật thì đọc "Thần Chú Bạch Y" miên mật thì khỏi bệnh. Con thật lòng cũng ham muốn đọc chú này. Con Không có Chánh Kiến nên tâm con như đứng giữa ngã ba đường không biết làm sao nữa?
____________________
Thầy:
- Giới không uống rượu nhằm để ngăn ngừa say sưa đánh mất tự chủ, không kiểm soát mình được mà tạo những nghiệp xấu ác. Bản thân rượu không tạo tội trực tiếp, nhưng khi say sưa rồi có thể phạm luôn bốn giới sát, đạo, dâm, vọng. Bởi vậy, là phật tử thì nên tránh, tốt hơn.
- Thấy cái áo đẹp, thích là chuyện bình thường, không phải tham, không có tội chi cả. Có 3 loại tham có gốc từ Pali như sau:
Chanda có nghĩa là muốn, là ước muốn bình thường như đói muốn ăn, khát muốn uống, muốn xây nhà, muốn tập thể thao, muốn mặc chiếc áo đẹp, muốn ở nơi thoáng mát, tiện nghi... Chanda hay muốn, ước muốn này không có tội chi cả.
Lobha là muốn, là tham, là tham lam; muốn lấy vật của người, muốn cướp đoạt, sang đoạt tài sản của người... Khi Lobha, tham này khởi lên là bị hút dính vào đối tượng như ruồi dính mủ mít. Lobha, tham này mới có tội. Muốn có chiếc áo đẹp mà đồng tiền mua nó bằng lao động, mồ hôi của mính thì không có tội lệ chi cả. Chỉ có tội khi đồng tiền ấy là đồng tiền bất chánh.
Dhamma-Chanda: Pháp dục là những ước muốn chơn chánh, muốn tu, muốn học, muốn làm việc tốt, việc phải.
Trong 3 cái đó, chỉ cái thứ 2 là tham có tội.
- Không cần phải sám hối với ai cả, với bất cứ thần linh, bồ tát nào. Tham sân khởi lên có những trường hợp sau:
Khởi lên mình biết nhưng mà biết chậm, tuy nhiên tham sân ấy chưa thể hiện qua thân khẩu ý thì chưa có tội chi cả.
Biết chậm, " nó tung hoành" qua thân khẩu ý rồi - thì có tội. Nhưng không sao, biết tội là tốt rồi, biết hành tung của nó là tốt rồi. Tu tập là tại chỗ này. Cứ minh sát tâm, để lần hồi, từ " giác chậm" ta sẽ có " giác nhanh" thôi.
Con có thể tu tập để tâm rỗng rang rồi nhẹ nhàng đếm hơi thở hoặc theo dõi hơi thở mỗi lần 10 phút, buổi sáng ngủ dậy và buổi tối trước khi ngủ. Cứ làm như thế đã.
- Mang cái thân xác này thì cái đau, cái bệnh là bình thường, tự nhiên. Đức Phật cũng bị già, đau, bệnh mà. Bỏ cái Bạch y thần chú đó đi, chẳng ai giải nghiệp cho mình nếu mình không tự giải, tự cứu. Bệnh đôi khi lại là sứ giả tốt, báo hiệu cho mình biết là mình đã sống sai với định luật tự nhiên. Có lẽ do ăn uống, do không biết điều tiết cơ thể mà sinh bệnh này bệnh nọ. Lại còn, khi sợ hãi, lo âu, phiền muộn sẽ tác động đến tim, bao tử, phổi, thận...
Vậy thường trực giữ tâm bình hoà để khí huyết lưu thông, thần kinh ổn định thì sẽ loại trừ được rất nhiều bệnh.
Đừng tin bất cứ ai, không cần đọc tụng bất cứ chú nào. Hiện thực với thân tâm mình đây và mình tự cứu mình: Đây là thái độ và hành xử của người có Trí, có Trí Tuệ đấy.
Quá khứ qua rồi, đừng nghĩ tới nữa. Tương lai chưa đến cũng chẳng thèm tưởng vọng. Ta chỉ nên sống với hiện tại với trí sáng suốt, tâm định tĩnh và thân trong lành là con đang đi trong Chánh Pháp.
Cố lên con!
Sư Giới Đức.
____________________
BI - Đức Quốc:
Mô Phật!
Con kính cảm ơn Thầy thật nhiều, những lời Thầy giảng làm cho con yên tâm và giúp con quyết định dứt khoát con đường học Phật của con không còn phân vân, đứng giữa ngã ba đường nữa.
Con kính chúc Thầy thật nhiều sức khỏe, sống lâu đời đời cho chúng con được nương nhờ học hỏi Chánh Pháp ạ!