____________________
(NhữngbàigiảngKinhTăngChi_Tập5)
Voltaire nói “Đẹp là con cóc đực trong mắt con cóc cái.” Mỹ có câu tương đương: “Khi ta yêu một người chột thì ta thấy mọi người đều dư một con mắt.” Tôi nói ra nghe kỳ, nhưng có người lỡ yêu người mặt nám, mặt tàn nhang, mặt mụn hoặc mặt rổ, hoặc mùi mồ hôi nặng, khi trót yêu rồi, mai mốt đi đâu mà gặp người không có mùi đó thì thấy giống như thiếu gia vị, giống như thấy một bầu trời không trăng sao không tinh tú vậy. Yeah (Thật vậy). Trót yêu một người nặng mùi, một người nhiều mụn, một người mà tiếng Nhật gọi là gamowasaki (gà mổ quá sá kỹ), lỡ yêu rồi thì thấy trong vũ trụ này không có ai hơn người đó hết. Tùy vào cái tâm trạng, thể trạng, não trạng mà chúng ta có một cái nhận xét đánh giá về cuộc đời này không giống nhau. Cho nên khái niệm đẹp và xấu chỉ là giả định, là quy ước trong cuộc đời này. Khi chúng ta cố ý đi tìm một âm thanh đẹp, một mùi thơm, một hình ảnh đẹp, một sắc màu hấp dẫn nghĩa là chúng ta đã vướng vào điên đảo mộng tưởng thứ tư. Vì sao, vì do tiền nghiệp (thiện ác) quá khứ, khuynh hướng tâm lý nhiều đời, môi trường sống (môi trường sinh trưởng, môi trường làm việc v.v...) cộng ghép lại làm nên nền tảng tâm thức để rồi chúng ta ghét cái này, thích cái kia, thấy cái này là đẹp, thấy cái nọ là xấu.
Điên đảo mộng tưởng thứ tư nghĩa là cố ý đi tìm một cái đẹp trong cái cõi đời vốn dĩ không có gì đẹp này. Tôi không hề nói đời này xấu mà tôi chỉ nói là không đẹp thôi. Vì sao, vì xấu và đẹp là tương tức, tương quan, anh này đẻ ra anh kia. Khi chúng ta có ý đi tìm cái đẹp cũng có nghĩa là trong lòng chúng ta đã dọn chỗ cho một cái xấu. Ví dụ tôi thích màu tím, cái gì không tím thì cái đó xấu. Tôi thích mùi hoa lài, cái mùi nào không phải hoa lài thì mùi đó không thơm. Tôi thích ăn sầu riêng thì đối với tôi cái gì không phải sầu riêng là nó nhạt nhẽo, vô duyên. Khi tôi thích phụ nữ thì tôi chán đàn ông mà khi tôi khoái đàn ông thì tôi ghét phụ nữ. Đại khái như vậy. Nghĩa là có cái thích thì có cái ghét, có cái đẹp thì sẽ có ý niệm về cái xấu. Mà cuộc đời này vốn dĩ không có cái gì đáng để chúng ta gắn lên nó một cái mác đẹp hay xấu, vì sao, vì đẹp hay xấu là ý niệm giả tưởng, giả lập mà có. Nó không phải là một hằng số bất biến, không phải là giá trị tuyệt đối để chúng ta vin vào đó mà nhận xét đánh giá mọi giá trị ở đời. Điên đảo mộng tưởng thứ tư là cố ý đi tìm một cái đẹp trong đời này cho dầu đó là một trần nào trong 6 trần sắc thinh khí vị xúc pháp. Tất thảy đều do duyên mà có, có rồi phải mất. Mọi thứ ở đời liên tục sanh diệt, cái sau bị thay thế bởi cái trước, đây chính là lý do trong kinh Pāḷi có những chữ rất là hay:
-‘Satta’ (chúng sanh), có nghĩa là “đụng đâu dính đó”, và còn có nghĩa là “có để mà có, không biết để làm gì hơn nữa”.
-‘Bhūta’: cái gì đó đang là, đang có.
Trong tiếng Đức có động từ sein und haben, trong tiếng Pháp có etre et avoir, tiếng Mỹ có to be and to have. Các ngôn ngữ có trùng hợp rất là lạ. Và tiếng Pāḷi cũng vậy, cũng có động từ ‘bhu’ có nghĩa là ‘có’, ‘hiện hữu’. Chữ này dùng để gọi chúng sanh. Nghĩa là (chúng sanh) chỉ là sự có mặt thôi, còn có mặt để làm cái gì thì chưa biết. Bhuta có nghĩa là becoming, nghĩa là chúng ta luôn trong tình trạng trở thành một cái khác, nghĩa là chúng ta không có đứng yên. Quí vị còn nhớ câu chuyện khắc dấu mạn thuyền? Đó là câu chuyện cười, nhưng sâu lắm. Người đầy tớ không nghĩ rằng nước đang chảy, thuyền đang đi, thanh gươm thì rớt theo chiều xiên. Mỗi thứ đều trong tình trạng biến đổi mà thằng đầy tớ thơ ngây mong mỏi mọi thứ đứng yên để vào đến bờ nhảy xuống mò thanh gươm. Chúng ta cũng vậy, chúng ta yêu một người, chúng ta ghét một người, chúng ta thương một người, chúng ta nhớ một người thực ra là chúng ta đang tưởng tiếc một cái gì đã mất. Cho dù chúng ta có gặp lại cái người mình thương, chúng ta có cưới được cái người mình mến thì cũng là chúng ta đang cưới một người khác chứ không phải là cái người mình đã thấy. Hecralite người Hy Lạp đã nói, chúng ta không thể hai lần bước xuống cùng một chỗ của một dòng nước. Nước cứ trôi đi, khi ta thòng chân xuống, lấy chân lên thì chỗ nước đó đã trôi mất. Thứ hai, rất là khoa học, rất là vật lý, rất là kỹ thuật đó là mọi sự không thể đứng yên vì mọi thứ phải tồn tại trong sự chuyển động, cái sau phải phủ nhận cái trước, phải thế chỗ cho cái trước. Không có sự thế chỗ, không có sự phủ nhận lẫn nhau thì xin hỏi, một đứa bé nằm hoài trong bụng hay sao. Từ cái phôi thai dần dần tượng hình đầu mình tứ chi, không được đứng yên mà phải tiếp tục phát triển. Đến khi phát triển đầy đủ có tóc có tai rồi mới rời bụng mẹ và bắt đầu đi vào đời bằng tiếng khóc đầu tiên: Chào vũ trụ, em đã đến! Cứ vậy, đứa bé tiếp tục vô thường trong hình hài đó. Rồi rời vú mẹ, qua bú bình, rồi ăn thức ăn mềm của trẻ con, rồi từ từ liệng hết tất cả những thứ đó, nó chạy tung tăng ăn đồ ăn như người lớn. Rồi nó dậy thì, rồi nó biết yêu, nó biết gạt người và bị người gạt, biết yêu người và được người yêu. Rồi nó học hành ra trường, có công việc, có thu nhập, có nhà cửa, có mái ấm gia đình. Rồi nó trung niên và tiếp tục vô thường để trở thành lão niên.
Mọi thứ trên đời không thể nào đứng yên mà tồn tại được. Chúng ta phải luôn luôn hiện hữu và tồn tại trong sự chuyển đổi liên tục và liên tục, cái sau phải phủ nhận cái trước, cái sau phải thế chỗ cho cái trước. Cộng hết tất cả những thứ này lại là gọi là cuộc hiện hữu của chúng ta. Nếu không hiểu được cái này thì chúng ta lại rớt vào điên đảo mộng tưởng. Chúng ta mong tìm thấy và trông đợi hy vọng mong chờ ở đó một cái gì đó trường cửu nè, hạnh phúc nè, cái tôi và của tôi. Và cuối cùng là chúng ta đi tìm cái mà chúng ta gọi là đẹp. Trong khi đó tất cả chỉ là một dòng chảy. Khi cái quạt máy đang chạy, chúng ta thấy nó là một vòng tròn mờ nhạt, bên trong cái mờ nhạt ấy gồm ba cánh quạt. Người tinh mắt, hoặc người có kiến thức thì biết là do tốc độ quá nhanh nên ba cánh quạt trông như một vòng tròn mờ nhạt. Trong dòng chảy của Tam Tướng -- vô thường, khổ, vô ngã -- chúng ta không có đủ chánh niệm và trí tuệ tinh tường sắc bén kịp thời để thấy ra rằng chúng ta đang sanh diệt rất nhanh. Quí vị còn nhớ tôi nói hoài cái này: khi chúng ta chưa biết đạo chúng ta thấy mình là một cái line, biết ba mớ thì thấy mình là những spots, và cuối cùng khi hành đạo mình thấy mình là những cái dots. Line là cái đường dài, từ thằng Tèo một tuổi, thằng Tèo 20 tuổi, thằng Tèo 40 tuổi, lên tới ông Tèo 90 tuổi, một đường thẳng băng. Khi biết đạo rồi thì chúng ta biết không có cái gì liên tục như vậy, mà chúng ta là những cái đốm (spot), vệt, mảng; nghĩa là lúc thiện lúc ác, lúc buồn lúc vui, lúc dễ thương lúc cà chớn, chứ không có cái thằng Tèo nào kéo dài 90 năm. Nhưng đến khi mình tu Tứ Niệm Xứ thì cái spot đó vẫn còn là quá lớn, vẫn còn là điên đảo mộng tưởng mà chúng ta phải thấy tất cả là dot – từng dấu chấm mà thôi. Giống như bức tranh mà phóng lớn ra triệu lần. Bức hình hồi nãy là một con người đang ngồi trên một bãi biển hoàng hôn, xa xa là những cánh chim chiều đang từng phút bay về núi trong một tia nắng buồn. Ấy vậy mà bây giờ phóng to đùng nó ra thì chim ơi là chim đâu còn chim nữa, nắng ơi là nắng, biển ơi là biển, hoàng hôn ơi là hoàng hôn mất sạch hết rồi, tất cả chỉ là những dấu chấm vô duyên tào lao, tẻ nhạt vô vị, nó nằm một đống như đống đá cuội vậy đó. Nếu phóng lớn một bức ảnh hàng triệu lần thì quí vị sẽ thấy hết hồn. Nó là vô số những cái chấm nhỏ li ti. Đời sống của mỗi người chỉ là sự cộng hưởng, lắp ráp của vô số cái chấm li ti thiện ác buồn vui ấy.
____________________