Mũi Tên
Sư Giác Nguyên
Nguồn: facebook.com/coivecondo
____________________
(NhữngBàiGiảngKinhTươngƯng-Tập5)
Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo, kẻ phàm phu cũng bị đau đớn về thân xác và vị thánh cũng có thể bị đau đớn về thân xác -- hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai. Nhưng này các tỳ kheo có sự khác biệt nào giữa phàm phu và thánh nhân, giữa một người không hiểu đạo và người liễu đạo khi cả hai đều trải qua những cơn đau, những thương tích giống nhau?
Ngài dạy rằng, đối với kẻ phàm phu khi cơ thể sinh lý có vấn đề thì lập tức cái tâm họ có vấn đề. Như vậy, kẻ phàm phu khi bị khổ thân thì sẽ bị khổ tâm giống như một người cùng lúc bị hai cái mũi tên. Ở đây Ngài chỉ nói một phương diện, nhưng tôi thấy phàm phu khổ tâm đã đành mà khi khổ tâm thì cũng có khổ thân nữa. Có những người do ghen tuông, lo nghĩ, sợ hãi, buồn phiền, họ bị ảnh hưởng rất nặng về thể xác. Khi sống mà ghen tuông lo nghĩ, buồn phiền nhiều rất dễ bị u xơ, dễ bị suy nhược thần kinh, dễ bị mất ngủ, suy nhược cơ thể. Có nhiều nguyên nhân bị đau da dày mà một trong những nguyên nhân đó là đời sống tinh thần có vấn đề. Phàm phu khi khổ tâm cũng có thể dẫn đến khổ thân và khi khổ thân chắc chắn dẫn đến khổ tâm.
Bậc thánh thì không có khổ tâm, ngay cả trường hợp trong kinh nói ngài Ānanda khóc khi Đức Phật Niết bàn, nhưng không phải ngài với mình giống nhau! Ngài quá thương kính Đức Phật, ngài là vị Tu-đà-hoàn nên vẫn còn khổ tâm, nhưng người để ngài nhỏ nước mắt không có nhiều như mình đâu. Ngài chỉ nhỏ nước mắt trong trường hợp chứng kiến cái chết của những người đã cùng với ngài vào ra sinh tử mấy trăm ngàn triệu tỷ kiếp luân hồi như bà Yasodhara, ngài Rāhula, bà Gotami, ngài Xá Lợi Phất thôi. Do sự biệt ly mà ngài khóc mà khóc một chút thôi, vì ngài là một vị thánh Tu-đà-hoàn không còn thân kiến nữa. Sự biệt ly đột ngột làm ngài bị sốc một chút vậy thôi.
Tôi nhớ có lần bà Visākhā là một đại thí chủ thời Phật, là vị thánh Tu-đà-hoàn, vào lạy Phật rồi khóc quá chừng. Đức Phật hỏi bà có chuyện gì mà đau lòng vậy. Bà nói bà khóc vì có một đứa cháu ngoan đẹp, thương mến vô cùng vừa chết.
Đức Phật hỏi bà: Visākhā nghĩ sao nếu cả thành phố này thành bà con của con hết, con có sung sướng hạnh phúc hay không?
Bà trả lời: Bạch Thế Tôn nếu vậy thì con rất vui mừng, đi đâu cũng gặp bà con quyến thuộc.
Đức Phật nói: Này Visākhā, nếu cả thành phố này đều là bà con thân thuộc của con hết thì ngày nào con cũng phải khóc hết, vì thành phố này ngày nào cũng có người chết.
Lòng của mình mà càng nặng nề, càng nhiều đối tượng để nắm níu chừng nào thì càng khổ thôi. Tôi mượn giọng Thánh kinh để nói kinh Phật: Phúc thay cho kẻ nào sống mà có quá ít những thương thích, phúc thay cho kẻ nào sống ở đời này mà có quá ít những cái ghét sợ.
Càng ít kỵ chừng nào càng an lạc chừng đó, càng ít đam mê chừng nào càng an lạc chừng đó, càng ít nhu cầu chừng nào càng an lạc chừng đó. Người ta nói rằng: Kẻ giàu nhất không phải là người muốn gì cũng được mà chính là người sống sao cũng được, môi trường nào cũng sống hạnh phúc.
Đó là những bài kệ bà con phải nhớ, mình vô minh quá, may mà có học đạo, biết Phật pháp mà còn sống không nổi theo những gì mình biết thì mai nay sanh ra làm trùn dế chó heo thì làm sao sống nổi. Rồi sanh ra may mắn làm người mà không biết Phật pháp thì thảm cỡ nào. Phải làm sao cho dù thân của mình có bị cái gì thì tâm cũng không bị ảnh hưởng. Với bậc thánh thì thân có bị thương tích bệnh hoạn thì cũng chỉ là một mũi tên chứ không tới hai mũi tên. Phàm phu mình thân có vấn đề thì tâm có vấn đề mà tâm có vấn đề thì thân có vấn đề.
Nhiều lần Đức Phật thăm bệnh những tỳ kheo, Ngài nhắc đi nhắc lại rằng:
-Hãy tâm niệm rằng dầu thân của ta có bệnh nhưng không để tâm của ta bị bệnh. Ta không sống trong ý niệm tôi, tôi là, của tôi.
Khi một người biết đây là khổ thọ, do duyên mà có, có rồi phải bị mất, người này chắc chắn sẽ an lạc bình tĩnh hơn người có quan niệm: tôi đang đau và có thể tôi sẽ chết, tôi sẽ bỏ lại bao nhiêu là tình thân, bao nhiêu là tài sản, bao nhiêu kỷ niệm trong cuộc đời này. Giữa hai người này chắc chắn người quán chiếu như thật sẽ ra đi trong niềm thanh thản an lạc. Còn người ra đi trong sự sợ hãi, tiếc nuối thì chắc chắn sẽ đau đớn. Bữa nay tôi muốn gởi quí vị một kinh nghiệm bằng vàng, hãy luôn luôn đọc câu thần chú này:
“Tôi sẽ chết trong sự chán chường chứ không chết trong sự tiếc nuối hay sợ hãi”.
Chán chường là sống bằng tâm niệm của một hành giả thường xuyên thấy rõ mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải bị mất; thấy rằng hạnh phúc chỉ là mặt trái của đau khổ; thấy rằng mọi hạnh phúc chỉ là đau khổ; mọi đau khổ là mũi tên; mà tất cả cảm xúc đều vô thường. Tập hoài lâu ngày thì mình sẽ ra đi trong sự chán chường. Có những người đau quá họ chỉ muốn chết thôi, hình như cái chết của những người như vậy dễ chịu hơn cái chết của những người sợ hãi và tiếc nuối. Tôi cũng là một người đi đứng ít nhiều, khi tôi lìa bỏ một nơi nào đó nếu mà tôi lìa bỏ trong sự chán chường thì tôi thấy nhẹ lòng lắm, còn lìa bỏ nơi nào mà bằng sự tiếc thương thì tôi khổ cả tháng như có lần tôi rời Lệ Giang. Tôi cứ nghĩ biết bao giờ có dịp trở lại Lệ Giang. Mà sao cứ nhớ thương lạ lắm. Tôi thương nhớ Thượng Hải, Hàng Châu, Lệ Giang. Nhưng có những nơi mà tôi đi khỏi là tôi mừng muốn chết, tôi canh đồng hồ ra phi trường, khi máy bay cất cánh tôi thở phì muốn lủng cửa sổ máy bay. Có những người chào tạm biệt tôi, tôi ước sao con tàu đừng đi, và tôi ước thời gian quay trở lại để người ta còn ngồi trong nhà tôi, ngồi uống nước với tôi, cười nói với tôi, đừng lìa xa tôi. Và có những người chào để đi mà tôi mừng muốn chết, vì tôi chán họ quá. Nếu mai này mình lìa bỏ thân này bằng cảm giác ra đi trong nỗi chán chường như vậy sẽ tốt hơn là chết trong nỗi nhớ niềm thương, chết trong sự tiếc nuối sợ hãi. Muốn vậy thường ngày phải luôn sống trong sự quán chiếu: mọi hạnh phúc chỉ là đau khổ; mọi đau khổ chỉ là mũi tên; tất cả cảm xúc đều là vô thường.
____________________