Vấn Đạo, vấn Thiền
Thư hỏi:
Thưa thầy,
Con là Diệu Thuận, pt ở Hà Nội, mới tìm hiểu về đạo Phật chưa được bao lâu. Con nghe các băng giảng của quý thầy, quý sư hay nói về Đạo, về Pháp, về Thiền mà không thật sự hiểu rõ về sự giống nhau, khác nhau giữa chúng.
Cụ thể, ngay phần “vấn Đạo, vấn Thiền” này; vấn Đạo là hỏi Đạo, vấn Thiền là hỏi Thiền; vậy hỏi Đạo, hỏi Thiền giống nhau và khác nhau ra sao?
Còn Pháp nữa. Pháp này cũng không dễ gì mà hiểu cho rõ. Các thầy, các sư giảng pháp, thuyết pháp thì có thể ai cũng hiểu rồi; nhưng có câu này con đọc được ở đâu đó: “Ai thấy duyên khởi tức thấy Pháp, ai thấy Pháp tức thấy Như Lai” – thì con lại càng mù tịt.
Mong thầy biết nhiều, hiểu rộng hãy giảng giải cặn kẽ cho con đã thông được những thắc mắc bấy lâu.
____________________
Trả lời:
Câu hỏi hay, rất hay; thầy biết có nhiều người cũng “mù mờ” về chúng.
1- Đạo: Chữ Đạo này có 3 nghĩa.
- Đạo có nghĩa là bản thể, cái nguyên lý đầu tiên của trời đất mà sinh ra muôn vật muôn loài. Nghĩa chữ Đạo này thường dùng trong triết học Đông phương. Như Lão Tử nói: Đạo sinh nhất, sinh nhị, sinh tam; tam sinh vạn vật. Như Không Tử nói: Chỗ không có dâm, nộ, si là cửa vào ra của Đạo.
- Đạo là bổn phận như đạo vợ chồng, đạo cha con, đạo thầy trò…
- Đạo là lối đi, là con đường: Như lục đạo: Địa ngục đạo, ngạ quỹ đạo, súc sanh đạo, a-tu-la đạo, nhân đạo, thiên đạo.
Cùng một nghĩa Đạo là Con Đường, Pàli là Magga – là con đường Diệt Khổ, chính là Đạo Đế, là Bát Chánh Đạo.
2- Thiền:
- Chữ Thiền này do Tàu âm từ chữ Jhàna của Pàli, còn Nhật thì âm là Zen mà người ta quen miệng nói là Thiền Zen.
- Jhàna, thiền là tên chỉ các tầng thiền như sơ thiền, nhị thiền… Thiền, Jhàna này không liên hệ gì đến thiền định hay thiền quán. Thiền định, thiền tĩnh chỉ, thiền vắng lặng thì có từ Sàmadhi hay Samatha. Thiền quán, thiền tuệ thì có từ Vipassanà (minh sát). Như vậy, cả Tàu và Nhật âm Jhàna là thiền, là Zen rồi nội hàm ngữ nghĩa như thấy Thiền, đạt Thiền (chân đế, đệ nhất nghĩa, paramattha) là họ đã sai lầm mấy ngàn năm nay!
- Hiện nay, khi nói tu thiền thì có thể họ đang tu thiền định hay thiền quán. Khi nói giảng thiền cũng tương tự thế. Nhưng khi nói thấy thiền, sống thiền là họ đang sống trong từng giây khắc hiện tại (Xem quyển “Thực tại hiện tiền” của thiền sư Viên Minh).
3- Pháp:
Pháp - Dhamma – tạm thời đưa ra 6 nghĩa căn bản:
- Khi nói vạn pháp, pháp giới… là chỉ tất cả thiên nhiên trời đất từ hạt bụi li ti đến sum la vạn tượng…
- Pháp - chỉ về giáo pháp, tam tạng kinh, luật và Abhidhamma.
- Khi nói Tâm và Pháp thì Pháp ấy là đối tượng của Tâm.
- Khi nói Pháp với nghĩa, đặc tính của Pháp thì nó có 5: Thiết thực hiện tại; ở ngoài thời gian; đến để mà thấy; chú tâm, hướng thượng; dành cho kẻ trí tự mình giác liễu.
- Khi đề cập thân, thọ, tâm, pháp – thì pháp ấy sẽ diễn ra khi tu tập minh sát tuệ - khi hành giả bị 5 triền cái chi phối (hôn trầm, thụy miên; nghi, sân, trạo hối, dục) hay đang quán ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên.
- Khi nói thấy pháp, sống với pháp là luôn thấy duyên khởi; cụ thể là 12 duyên khởi. Và chính ở đây đức Phật dạy: Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, thấy Pháp tức thấy Như Lai.
Con hãy đọc kỹ, suy ngẫm để tìm câu trả lời tương thích cho mình nhé!
Với tâm từ,
Giới Đức.
____________________