...Đích đến của sự tu hành trong Đạo Phật không phải là tìm kiếm hay trở thành một cái gì khác mà là trở về soi sáng lại chính mình và thấy ra tất cả giá trị chân lý cao nhất ở trong chính mình chứ không ở đâu khác. Đó là điều đặc biệt của Đạo Phật.
Hầu hết các tôn giáo ở Ấn Độ đều nương tựa vào bên ngoài, nương tựa vào thần linh, vào đấng Phạm thiên, nương tựa vào Đại ngã tức là có một cái gì đó để nương tựa. Còn Đức Phật, ngài nói rằng: “Mình là nơi nương tựa của chính mình không ai khác, trở về với sự thuần tịnh của chính mình thì đó là nơi nương nhờ hy hữu”. Nên toàn bộ sự tu tập của Đạo Phật chính là để trở về với chính mình.
Tất cả hoạt động của con người dựa trên hai điều đó là nhận thức và hành vi. Cho dù là bác sĩ, kỹ sư, thương gia hay tu sĩ…thì nội dung của hoạt động cũng chính là nhận thức và hành vi, nhận thức ngay cái thực tại đang là, đó là thân thọ tâm pháp.
Thân tức mọi hoạt động hay mọi trạng thái của thân và thọ là những cảm giác cảm xúc và tâm tức là những trạng thái hay thái độ tâm và pháp là sự tương giao hay mối quan hệ giữa mình và đời sống chung quanh.
Như vậy Đức Phật chỉ rất rõ cái mà mình hướng đến không phải ở bên ngoài hay mình phải nương tựa bất kỳ ai ở bên ngoài mà trở về soi sáng lại để phát hiện ra, để tìm lại chính mình, tìm lại giá trị đích thực mà trong quá trình sống có thể do nhận thức và hành vi sai xấu mà đưa đến kết quả mình bị trói buộc và đau khổ.
Đức Phật chỉ rất rõ cái làm cho nhận thức và hành vi của mình sai đó chính là vô minh và ái dục.
Vô minh là không thấy sự thật nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là.
Ví dụ: Mình đi mình không biết mình đang đi mà cái tâm của mình bay bổng, vọng tưởng ở đâu chứ không biết mình đang đi.
Mình đi mà không trọn vẹn biết mình đang đi thì mình sẽ vấp té, mình sẽ gây tai nạn, mình sẽ gánh lấy rất nhiều hậu quả không tốt. Hay mình vừa ăn vừa đọc sách, vừa ăn vừa suy nghĩ chuyện này chuyện kia mình tưởng vậy là có lợi nhưng rốt cuộc không có lợi, còn mình ăn mà trọn vẹn với ăn thì cũng tránh được rất nhiều tai hại, mình biết rõ ăn món này có cảm giác gì, có sinh ra đau bụng hay không, nếu mình quan sát chuyện ăn có khi mình thông suốt được thực dưỡng, vì cơ địa của mỗi người mỗi khác, người này thì ăn lạnh được, người kia thì phải ăn nóng…cho nên mỗi người phải tự soi sáng để thấy ra chính mình.
Tất cả chân lý ở trong cuộc sống này chứ không ở đâu khác mình chỉ cần nhận thức đúng về bản chất thực của chính mình và cuộc sống thì lúc đó mình có nhận thức đúng và hành vi tốt. Nhận thức đúng và hành vi tốt tức là Bát chánh đạo, là đưa đến giác ngộ giải thoát. Còn nhận thức sai hành vi xấu là Bát tà đạo, là đưa đến phiền não khổ đau.
Tất cả chân lý trong đời sống đều đã có sẵn và tự nó đã hoàn hảo rồi.
Có một số điều thấy dường như không hoàn hảo nhưng ngay cả cái không hoàn hảo cũng là hoàn hảo. Vì sao?
Ví dụ người biết lửa là nóng nên không lấy tay nắm lửa như vậy là hoàn hảo vì biết lửa là nóng nhưng với người không biết lửa là nóng, cầm cục lửa chơi thì phỏng tay cũng là hoàn hảo luôn.
Mình nhận thức sai và hành động xấu sẽ đưa đến kết quả sai xấu. Sự vận hành tự nhiên rất chính xác và như vậy là hoàn hảo.
Một em học sinh học tốt được điểm 10 là hoàn hảo, một em học năm mươi phần trăm được điểm 5, một em học dốt được điểm 0 cũng đều hoàn hảo. Tại mình đặt tiêu chuẩn điểm 10 là hoàn hảo nên cho điểm 5, điểm 0 là không hoàn hảo. Đó chỉ là không hoàn hảo theo tiêu chuẩn của mình mà thôi. Cũng tại mình chỉ xem hoàn hảo nơi kết quả, chứ chưa thấy được sự hoàn hảo nằm ở cơ chế vận hành.
Có hai sự hoàn hảo:
Ví dụ: Người thích ăn mít chín thì cho mít chín là hoàn hảo còn người thích ăn canh mít, gỏi mít thì mít non là hoàn hảo. Vậy thì hoàn hảo theo qui định của mình nó khác, còn tất cả những giai đoạn phát triển của cây mít đều hoàn hảo.
Thật ra cuộc đời này hoàn toàn hoàn hảo, bản thân mỗi người cũng hoàn toàn hoàn hảo, khi người ta không nhận ra sự hoàn hảo ấy thì gọi là vô minh. Vô minh nên muốn hoàn hảo theo ý mình đó là ái dục.
Muốn thoát khỏi vô minh ái dục thì phải soi sáng lại sự thật đang là. Đó là lý do mà Đức Phật dạy phải trở về với chính mình.
Quá khứ không truy tầm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây.
Trở về với chính mình, trở về với thực tại.
Thực tại là cái ngay tại đây & bây giờ như nó đang là.
Vì vô minh ái dục nên mình tưởng là, cho là, phải là, mong sẽ là như ý mình. Chính vì vậy mới đưa đến nhận thức và hành vi sai lầm và đưa đến hậu quả là phiền não khổ đau. Nhưng khổ đau cũng là hoàn hảo vì qua nhận thức và hành vi sai lầm đó mà mình nhận ra được sự thật thì tức là đã chuyển hoá được nhận thức và hành vi của mình.
Nên nói tu hành hay tiến bộ trên con đường Đạo đó là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi nhưng không phải điều chỉnh theo ý mình (vì điều chỉnh theo ý mình thì lại rơi vào vô minh ái dục) mà là điều chỉnh do thấy ra được sự thật.
Cho nên mình phải quan sát để thấy mọi sự thật đang diễn ra. Sự thật diễn ra ở hoạt động của thân như mình đi, mình cầm ly nước lên để uống, để ly nước xuống, cầm dùi chuông đánh chuông hay nghe tiếng chuông…Tất cả mọi hoạt động đó mình đều phải trọn vẹn tỉnh thức để thấy như chúng đang là.
Đơn giản chừng đó thôi, nhưng vì mình không làm được chuyện đó nên cứ tưởng là, cho là, muốn phải là, mong sẽ là rồi rơi vào hậu quả không tốt và cũng nhờ hậu quả đó giúp mình tự điều chỉnh lại.
Chính những hậu quả đó lại mang tính giáo dục rất cao. Như mình ăn uống sai lầm nên bị đau gan, bị bệnh đường ruột chẳng hạn qua đó mình biết điều chỉnh lại nhận thức và hành vi để có sức khoẻ tốt hơn. Nên cuộc sống là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi mà luôn là từ sai xấu cho đến đúng tốt .
Cái đúng tốt ở đây không phải là theo một quan niệm, một mục đích đúng tốt để đạt đến, mà chỉ có đúng tốt ngay tại đây và bây giờ hay không thôi.
Như đồng hồ ngay đây đúng là 5 giờ 1 phút 1 giây, nó chỉ đúng bây giờ thôi. Một lát nữa mình nói nó đúng 5 giờ 1 phút 1 giây là trật nên không có cái đúng lý tưởng mà mình tưởng tượng ra để đạt đến.
Nếu bây giờ không đúng tốt mà mình kẹt vào cái không đúng tốt đó thì coi như mình không thể nào đúng tốt được nữa.
Như bây giờ mình té mà mình nói “để ngày mai đứng dậy”. Ngay đây té là mình phải gượng đứng dậy ngay lập tức đó là điều chỉnh nhận thức hành vi ngay lúc đó. Nên mình không thể đặt lý tưởng cho ngày mai mà phải điều chỉnh ngay tại đây và bây giờ.
Mỗi sự hiện hữu trên cuộc đời này mà chủ yếu là sự hiện hữu của mình tại đây và bây giờ thì luôn có Thời - Vị - Tính của nó.
Thời là bây giờ, Vị là tại đây và Tính là như mình đang là.
Ví dụ bây giờ mình đói nhưng mình ăn cái bánh vào thì no nên thời vị tính bây giờ là đói mà lát nữa thời vị tính là no. Vì vậy mà mình không nên lệ thuộc vào một khuôn khổ, một phương pháp, một công thức nhất định.
Trên phương diện Tục Đế thì phương pháp có thể đúng như mình muốn có bằng lái xe thì phải làm đúng công thức bộ giao thông đưa ra, tới đèn đỏ thì dừng đèn xanh thì chạy…Trong tục đế thì như vậy nhưng cũng không nhất định vì khi qua nước khác là có qui định khác rồi. Chẳng hạn ở Pháp thì lái xe bên phải qua Anh thì bên trái… Nên trong tục đế mình phải theo khuôn khổ nhưng tất cả khuôn khổ đều tạm thời và tương đối.
Còn trong Chân Đế thì không thể nào mình đặt ra trước được cả. Mình đặt ra một Niết Bàn để mình cố đạt tới là hoàn toàn sai. Niết Bàn là ngay tại đây, phải thấy ngay tại đây chứ không phải là bánh vẽ ở tương lai.
Khi mình gặp một khó khăn, một trở ngại hay một nghịch duyên nào đó mà tâm khởi lên tham-sân-si như là muốn dẹp nghịch duyên đó đi hay muốn đạt được cái tốt hơn, tức là tâm mình cứ sinh khởi lên muốn đạt thành như vậy gọi là sinh tử, và cứ lập đi lập lại như vậy hoài gọi là luân hồi.
Nên chính mình tạo ra luân hồi sinh tử, tức là tạo ra Tập đế - Khổ đế. Còn bây giờ gặp trở ngại mà tâm mình vẫn rỗng lặng trong sáng, vẫn bình tĩnh sáng suốt không bị trở ngại đó làm cho mình bối rối, lo lắng sợ hãi thì đứng trên phương diện tục đế, mình sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn.
Còn Chân đế nếu sự việc đó xảy ra mà tâm mình vẫn rỗng lặng trong sáng tức là Đạo đế mà cái tâm Đạo đế thì mọi sự việc đều là Niết Bàn. Cái tâm Đạo đế thì nhìn thấy Diệt đế tức là nhìn thấy Niết Bàn, còn tâm với tham-sân-si thì thấy Khổ đế. Như vậy Khổ đế hay Diệt đế, sinh tử hay Niết Bàn mình có thể thấy ngay tại đây và bây giờ chứ không phải một lý tưởng ở tương lai.
Ngay trong đời sống này khi mình ăn mình cũng thấy đâu là sinh tử, đâu là Niết Bàn. Mình làm bất kỳ cái gì trong đời sống mình cũng thấy đâu là sinh tử đâu là Niết Bàn ngay tại đây và bây giờ chứ không phải Niết Bàn ở tương lai.
Cái cao nhất trong Đạo Phật là Niết Bàn nhưng Niết Bàn thì phải thấy ra ngay trong chính mình chứ không phải ở bên ngoài. Mình tưởng Niết Bàn chưa có rồi cố gắng đi tìm Niết Bàn, cố gắng để đạt được Niết Bàn đó là một sai lầm.
Nên Đạo Phật rất là thiết thực và Pháp mà Như Lai khai thị là trở về mà thấy (ehipassiko) trên chính thực tại hiện tiền (opanayiko) thì có thể thấy ngay (sanditthiko) không trải qua thời gian (akāliko).
Cho nên từ Pháp (Dhamma) của Đức Phật dạy là cực kỳ tuyệt vời nhưng ít ai hiểu.
Ngài nói ngay nơi thực tại hiện tiền thì mỗi người đều có thể chứng ngộ (Paccattam veditabbo Viññùhi) tức là ngay đây thấy ra được Tập đế Khổ đế, ngay đây thấy ra được Đạo đế Diệt đế chứ không phải tìm kiếm đâu xa. Đó là điều cực kỳ đặc biệt của Đạo Phật mà thời Đức Phật ngài chỉ ra là người ta thấy và giác ngộ liền.
…Tóm lại tất cả chân lý trong đời sống đều đã có sẵn và nó đã hoàn hảo rồi, chỉ là mỗi người có thấy ra sự hoàn hảo đó hay không:
____________________