Đức Phật nói rằng, giáo pháp của đức Như Lai như chiếc bè đưa người ta qua sông sanh tử – sông khổ não, để đáo bỉ ngạn – đến bờ bên kia. Thường thì khi qua sông rồi chúng ta sẽ bỏ bè, nhưng khi chưa qua sông, có ai lại nói không cần bè hay không? Vì thế, hôm nay, tôi muốn nói với quí vị về chiếc bè này - Chiếc bè chánh pháp.
Ví Dụ Chiếc Bè
(Trích đoạn trong "22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, Kinh Trung Bộ" - HT. Thích Minh Châu dịch)
Ta sẽ giảng pháp cho các Ông, ví như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn thuyết giảng như sau:
- Này các Tỷ-kheo, ví như có người đang đi trên con đường lớn dài, đến một vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia.
Người đó tự suy nghĩ: "Đây là vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Nay ta hãy thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá, cột lại thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn".
Khi qua bờ bên kia rồi, Người đó suy nghĩ: "Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy đội chiếc bè này trên đầu hay vác nó trên vai, và đi đến chỗ nào ta muốn".
- Bạch Thế Tôn, không.
- Chư Tỷ-kheo, người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè? Ở đây, chư Tỷ-kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: "Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta. Nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân đã vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy kéo chiếc bè này lên trên bờ đất khô, hay nhận chìm xuống nước, và đi đến chỗ nào ta muốn".