Trước tiên chúng ta sẽ bàn đến pháp niệm hơi thở được Đức Phật dạy trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta).
NIỆM HƠI THỞ
‘Này các Tỳ kheo, một vị Tỳ kheo sống quán thân là thân như thế nào?
Ở đây, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo đi đến khu rừng, hay đến một gốc cây hay đến một nơi trống trải. Rồi vị ấy ngồi kiết già, giữ cho thân thật thẳng và thiết lập niệm ở trước mặt. Chánh niệm vị ấy thở vô ; chánh niệm vị ấy thở ra. Khi thở vào dài, vị ấy tuệ tri: “Ta thở vô dài.” Khi thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Ta thở ra dài.” Khi thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Ta thở vô ngắn.” Khi thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Ta thở ra ngắn.” Vị ấy tập như vầy: “Cảm giác toàn hơi thở Ta sẽ thở vô.” Vị ấy tập như vầy: “Cảm giác toàn hơi thở Ta sẽ thở ra.” Vị ấy tập như vầy: “An tịnh toàn thân (hành) hơi thở, Ta sẽ thở vô.” Vị ấy tập như vầy: “An tịnh toàn thân (hành) hơi thở, Ta sẽ thở ra.’”
Đây là những chỉ dẫn của Đức Phật về pháp niệm hơi thở, đặc biệt để chứng đắc thiền (jhānas). Trong đoạn trên, chữ ‘ở đây’ hàm ý ở trong Giáo Pháp của Đức Phật. Khi dùng chữ ‘ở đây,’ những giáo pháp khác ngoài Phật giáo được loại trừ vì chúng không dạy niệm hơi thở theo cách toàn vẹn như Giáo Pháp của Đức Phật. Nói chung, ngoài Phật Giáo không ai có thể dạy niệm hơi thở (ānāpānasati) một cách đầy đủ. Vì như Kinh nói: ‘Chỉ ở đây (trong Giáo Pháp này) chúng ta mới thấy Sa môn (samaṇa) chân chính, các giáo pháp khác rỗng không Sa môn.’
Kế tiếp, Đức Phật chỉ ra những nơi thích hợp cho người hành thiền: ‘Vị Tỳ kheo đi vào trong rừng, đến một gốc cây hay đến một nơi trống trải.’ Điều này làm sáng tỏ thế nào là một nơi thích hợp đối với người hành thiền để tu tập chánh niệm.
Tâm của hành giả trước khi đến với thiền đã quen sống với những cảnh sắc và những dục trần khác trong một thời gian lâu dài. Nó không thích đi vào con đường thiền định, và nó chẳng khác một con trâu hoang vừa đem cột vào một chiếc xe liền chạy bay ra khỏi đường, bởi vì tâm hành giả không quen sống không có các dục lạc. Trước khi đến với thiền, tâm hành giả không ngừng tiếp xúc với các loại dục trần khác nhau, như phim ảnh, ca nhạc, đồ ăn ngon, cuộc sống xã hội đầy thú vị. Và tâm của hành giả rất vui thích trong đó. Nhưng giờ đây không có phim ảnh, không có ca nhạc, v.v… để làm vui tai, vui mắt…, và như vậy tâm hành giả cũng giống như một con cá bị vớt lên khỏi nước, bỏ trên đất khô, nhẩy cuồng trong khốn khổ và khao khát tìm nước. Ở đây, hơi thở vô-ra cũng giống như đất khô; nó quá đơn điệu và không thoả mãn tâm của hành giả vốn luôn luôn khao khát các dục lạc thế gian. Trong khi ngồi, thay vì tập trung trên hơi thở, hành giả lại dùng phần lớn thời giờ của mình để sống trong các dục lạc quá khứ mà hành giả đã từng thụ hưởng, hoặc tưởng tượng các dục lạc tương lai mà hành giả mong đợi được hưởng thụ. Nhưng làm như vậy chỉ phí thời giờ và không ích gì cho việc tu tập tâm. Cho dù hành giả có hành theo cách này suốt cả đời thì cũng sẽ không có sự cải thiện nào cho hành giả.
Để loại trừ thói quen xấu này hành giả phải thường xuyên đưa tâm trở lại với hơi thở, giữ cho tâm trú với hơi thở lâu đến mức có thể, và cố gắng để phát triển một thói quen mới tập trung trên hơi thở, giống như cách người chăn bò muốn thuần hoá một con bê được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa của một con bò hoang dã sẽ làm vậy. Đầu tiên anh ta tách con bê đó ra khỏi con bò, dẫn đến một cây cọc lớn chôn chắc trên đất và cột nó vào đó. Khi con bê nhảy cuồng bên này bên nọ, nó thấy rằng không thể nào chạy thoát được. Lúc ấy nó sẽ thu mình lại và nằm xuống ngay tại cây cọc đó. Theo cách tương tự, hành giả muốn thuần hoá cái tâm hoang dã mà trong một thời gian dài đã được nuôi dưỡng bằng những cảnh sắc và dục trần tươi mát phải tách tâm ra khỏi chúng và dẫn nó vào trong rừng, đến một gốc cây hay đến một nơi trống trải. Rồi hành giả cột cái tâm đó vào cây cọc hơi thở, hay một đối tượng nào đó của niệm xứ, với sợi dây chánh niệm. Tâm hành giả tất nhiên cũng sẽ chạy đông chạy tây. Khi nó không thể có được những đối tượng từ lâu nó đã quen và thấy rằng nó không thể bứt đứt sợi dây chánh niệm để chạy đi, cuối cùng nó sẽ ngồi hay nằm xuống ngay tại đối tượng (hơi thở) đó bằng cận định và an chỉ định.
Do đó, các bậc chú giải cổ xưa nói:
Như người muốn thuần trâu
Buộc nó vào cọc chắc,
Cũng vậy hành giả cột
Tâm mình vào đối tượng (hơi thở).
Theo cách này trú xứ trở thành thích hợp đối với người hành thiền. Như đã được chú giải nói, ‘Điều này làm sáng tỏ trú xứ nào được xem là thích hợp đối với người hành thiền để trau dồi chánh niệm.’
Niệm hơi thở không dễ gì thành tựu nếu không rời bỏ làng xóm và những vùng ven làng xóm bởi vì tiếng động là cây gai đối với định. Trong một nơi không có người ở sẽ dễ cho người hành thiền tu tập đề tài thiền này. Chính vì vậy mà Đức Thế Tôn đã chỉ ra trú xứ thích hợp cho việc hành thiền với những lời, ‘đi vào trong rừng, hay đi đến một gốc cây, hay đi đến một nơi trống trải.’
Đức Phật giống như một bậc thầy về khoa quy hoạch bởi vì ngài đã chỉ ra trú xứ thích hợp cho những người hành thiền.
Sau khi bậc thầy về khoa quy hoạch tìm thấy một dải đất tốt cho việc xây dựng đô thị và đã xem xét nó thật kỹ từ mọi phía, ông khuyên: ‘Hãy xây dựng đô thị ở đây.’ Khi việc xây dựng đô thị hoàn tất ông nhận được danh dự cao từ hoàng tộc. Theo cách tương tự, sau khi Đức Phật đã xem xét kỹ trú xứ thích hợp cho người hành thiền từ mọi điểm ngài khuyên: ‘Địa điểm thiền này nên chọn.’ Khi người hành thiền dần dần đạt đến A-la-hán thánh quả, họ bầy tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ của mình với những lời: ‘Chắc chắn, Đức Thế Tôn là Bậc Giác Ngộ Tối Thượng.’ Như vậy, Đức Phật nhận được danh dự lớn.
Vị Tỳ kheo được so sánh với một con báo. Giống như con báo, vị Tỳ kheo sống đơn độc trong rừng và hoàn thành mục đích của mình bằng cách vượt qua tham dục, những chướng ngại đối với bản thân.
Chúa của loài báo ẩn mình trong rừng sâu, trong những bụi cỏ, những lùm chồi hay khóm cây, vồ bắt những con trâu rừng, nai rừng, heo rừng và những con thú khác. Theo cách tương tự, vị Tỳ kheo hiến mình cho đề tài thiền sẽ gặt hái những Thánh Đạo và Thánh Quả theo tuần tự. Do đó, các bậc chú giải cổ xưa nói:
Như báo rình bắt thú,
Con Như Lai cũng vậy,
Người có tấn, có tuệ,
Đi vào trong khu rừng
Bắt lấy quả tối thượng.
Vì thế, khi Đức Thế Tôn nói ‘đi vào trong khu rừng’ và … là để chỉ ra nơi chốn thích hợp cho việc vận dụng tinh tấn lực một cách hiệu quả trong thiền.
Mặc dù quý vị hiện nay không đi vào trong rừng, cũng không ngồi ở dưới gốc cây, và nơi đây lại còn đông đúc với rất nhiều thiền sinh, song nếu quý vị có thể phớt lờ sự hiện diện của những người khác, bỏ qua một bên tất cả mọi việc khác và chỉ hay biết đối tượng thiền của mình, nơi này cũng sẽ giống như một nơi trống trải đối với quý vị vậy. Hơn nữa, hành thiền tập thể còn giúp quý vị khơi dậy tinh tấn và tiến bộ nhanh hơn trong thiền.
‘Giữ cho thân thẳng’ có nghĩa là giữ cho các đốt xương sống trong một vi trí sao để mọi đốt xương được đặt ngay thẳng từ đầu này đến đầu kia. Thân được giữ thẳng từ chỗ thắt lưng đổ lên. Sở dĩ Đức Phật giới thiệu tư thế này bởi vì nó là tư thế vững nhất, thoải mái nhất, và còn giúp giữ cho tâm hành giả an tịnh nhưng vẫn tỉnh táo, và vì vậy nó được xem là tư thế tốt nhất cho việc hành thiền.
‘Đặt niệm ở trước mặt’ có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là cố định tâm bằng cách hướng nó về phía đối tượng hay đề mục thiền. Chẳng hạn, nếu quý vị đang hành niệm hơi thở (ānāpānasati), quý vị phải đặt niệm hướng về phía hơi thở. Nếu quý vị đang hành thiền tứ đại, quý vị phải đặt niệm hướng về phía tứ đại. Nói chung quý vị phải hướng sự chú ý của mình về đề mục thiền, chứ không về gia đình của quý vị.
‘Chánh niệm vị ấy thở vô; chánh niệm vị ấy thở ra,’ có nghĩa rằng vị ấy thở vô và thở ra không bỏ rơi chánh niệm. Chánh niệm rất là quan trọng. Ở đây niệm có nghĩa là ghi nhớ. Nếu quý vị lúc nào cũng ghi nhớ hơi thở quanh lỗ mũi hay ở môi trên của mình, chánh niệm cũng như định của quý vị sẽ càng lúc càng trở nên mạnh hơn. Khi định cải thiện, quý vị sẽ thấy một nimitta (tướng hơi thở). Nếu quý vị định tâm vững chắc trên nimitta, quý vị sẽ đắc các bậc thiền (jhānas).
Chánh niệm vị ấy thở vô như thế nào? Chánh niệm vị ấy thở ra như thế nào? Đức Phật chỉ dẫn thêm: ‘Khi thở vô dài, vị ấy tuệ tri: ‘Ta thở vô dài.’ Khi thở ra dài, vị ấy tuệ tri: ‘Ta thở ra dài.’ Vị ấy vô một hơi dài trong một quãng thời gian dài, vị ấy thở ra một hơi dài trong một quãng thời gian dài, và vị ấy thở vô và thở ra dài trong một quãng thời gian dài.
Khi vị ấy thở vô và thở ra dài trong mỗi quãng thời gian dài như vậy, chanda hay nhiệt tâm, yếu tố được xem là rất quan trọng đối với thiền, khởi lên trong vị ấy. Với nhiệt tâm vị ấy thở vô một hơi dài tinh tế hơn quãng thời gian dài trước. Với nhiệt tâm vị ấy thở ra một hơi dài tinh tế hơn quãng thời gian dài trước. Và trong mỗi quãng thời gian dài, với nhiệt tâm vị ấy sẽ thở vô và thở ra một hơi dài tinh tế hơn trước.
Khi, với nhiệt tâm vị Tỳ kheo thở vô và thở ra dài tinh tế hơn trước như vậy, hỷ (pīti) sẽ khởi lên trong vị ấy.
Với hỷ, vị ấy thở vô một hơi dài tinh tế hơn quãng thời gian dài trước. Với hỷ vị ấy thở ra một hơi dài tinh tế hơn quãng thời gian dài trước. Và, ở mỗi quãng thời gian dài, với hỷ vị ấy thở vô và thở ra một hơi dài tinh tế hơn trước.
Có hỷ (pīti) trong lúc hành thiền rất là quan trọng. Nếu quý vị không bao giờ có hỷ trong lúc hành thiền, định của quý vị không thể cải thiện. Khi nào thì hỷ sẽ xuất hiện? Nếu quý vị loại trừ được sự dao động và phóng tâm, đồng thời có thể tập trung trên toàn hơi thở dài vi tế một cách trọn vẹn, định của quý vị sẽ cải thiện. Khi định cải thiện, hỷ sẽ xuất hiện trong tâm quý vị.
Kế tiếp, khi vị Tỳ kheo thở vô và thở ra dài với hỷ mỗi hơi thở mỗi tinh tế hơn trước, tâm vị ấy quay đi khỏi hơi thở vô và hơi thở ra dài, chuyển sang nimitta (tướng hơi thở) với xả (upekkhā) vững chắc.
Liên quan đến đoạn: “Vị ấy tập như vầy: ‘Cảm giác toàn thân (hơi thở) ta sẽ thở vô.’ Vị ấy tập như vầy: ‘Cảm giác toàn thân (hơi thở) ta sẽ thở ra.’” Có nghĩa là vị ấy tự mình tập luyện với ý tưởng như sau: ‘Ta sẽ thở vô, làm cho chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối của toàn hơi thở vô được biết, được rõ ràng đến ta. Ta sẽ thở ra, làm cho chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối của toàn hơi thở ra được biết, được rõ ràng đến ta.’ Và vị ấy thở vô và thở ra với ý thức kết hợp với trí hiểu biết rằng (vị ấy) đang làm cho những hơi thở (vô ra) được biết, được rõ ràng đến chính vị ấy.
Trong trường hợp này quý vị không nên hiểu lầm rằng quý vị phải ghi nhận hơi thở theo kiểu: ‘đây là chặng đầu, đây là chặng giữa, và đây là chặng cuối.’ Mà chỉ biết toàn hơi thở là đủ.
Đối với vị Tỳ kheo (mà) trong thân hơi thở vô hoặc thân hơi thở ra mỏng manh, khuếch tán (không gôm) chỉ chặng đầu rõ, còn chặng giữa và chặng cuối không rõ. Vị ấy chỉ có thể ghi nhận một mình chặng đầu. Đến chặng giữa và chặng cuối vị ấy gặp khó khăn. Đối với vị khác chỉ chặng giữa rõ còn chặng đầu hay chặng cuối không rõ. Đối với vị thứ ba chỉ chặng cuối rõ. Chặng đầu và chặng giữa không rõ và vị ấy chỉ có thể ghi nhận hơi thở ở chặng cuối. Vị ấy gặp khó khăn ở chặng đầu và chặng gữa. Nhưng đối với một vị thứ tư cả ba chặng đều rõ và vị ấy có thể ghi nhận cả ba. Vị ấy không gặp khó khăn ở đâu cả. Vì thế để chỉ cho thấy đề tài thiền này phải được tu tập theo gương của vị thứ tư, Đức Phật mới nói: “Vị ấy tập như vầy: ‘Cảm giác toàn thân (hơi thở) ta sẽ thở vô’. Vị ấy tập như vầy: ‘Cảm giác toàn thân (hơi thở) ta sẽ thở ra.’”
Ở giai đoạn đầu của thiền này không có việc gì khác phải làm mà chỉ thở vô và thở ra, như kinh nói: Khi thở vô dài, vị ấy tuệ tri: ‘Ta thở vô dài.’ Khi thở ra dài, vị ấy tuệ tri: ‘Ta thở ra dài.’Khi thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: ‘Ta thở vô ngắn.’ Khi thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: ‘Ta thở ra ngắn.’ Sau đó hành giả phải cố gắng để tạo ra trí hiểu biết và …, do đó kinh nói, ‘Cảm giác toàn thân (hơi thở) ta sẽ thở vô.’
Đối với đoạn: ‘Vị ấy tập như vầy: ‘An tịnh thân hành (hoạt động của hơi thở) ta sẽ thở vô.’ Vị ấy tập như vầy: ‘An tịnh thân hành ta sẽ thở ra.’ Ở đây, vị ấy nghĩ: Ta sẽ thở vô và thở ra, làm cho êm ả, làm cho trơn tru, làm cho vắng lặng và làm cho bình yên hoạt động (hành) của hơi thở vô và hơi thở ra. Theo cách này vị ấy tập.
Về điều này, sự thô, tế và an tịnh phải được hiểu như vầy: Không có nỗ lực quán, thân và tâm của vị Tỳ kheo này phiền não, thô tháo, và hơi thở vô-ra cũng vậy, sẽ thô và diễn tiến một cách không an tịnh. Lỗ hở của mũi không đủ (rộng) và vị ấy phải thở qua miệng. Nhưng khi thân và tâm được kiểm soát thời chúng trở nên thanh thản, yên tĩnh. Khi thân và tâm thanh thản, yên tĩnh, hơi thở diễn tiến một cách vi tế đến nỗi vị Tỳ kheo hoài nghi không biết những hơi thở có còn tiếp tục không.
Một người đội nặng từ trên đồi chạy xuống. Sau khi buông bỏ gánh nặng, và đứng yên, hơi thở của anh ta rất thô. Lỗ mũi anh ta không đủ để thở và anh ta cũng phải thở bằng miệng. Nhưng khi anh ta đã làm cho mình hết mệt, tắm rửa, uống nước, đắp một miếng vải ướt trên đầu, và ngồi trong bóng mát, hơi thở của anh ta trở nên vi tế. Và anh ta lúng túng không biết là nó có hay không. So sánh với người đàn ông đó, vị Tỳ kheo sau khi thực hành pháp quán hơi thở, hơi thở của vị ấy trở nên vi tế đến nỗi vị ấy thấy rằng khó mà biết được là mình có đang thở hay không. Lý do của điều này là gì? Không hành thiền vị ấy không nhận thức, không tập trung, không suy xét, hay nghĩ đến vấn đề làm cho những hơi thở thô an tịnh. Nhưng với thiền vị ấy làm việc đó. Vì thế, lúc hành thiền hoạt động của hơi thở trở nên tinh tế hơn là lúc không hành thiền. Do đó các bậc chú giải cổ xưa mới nói:
‘Thân tâm khi dao động, hơi thở sẽ thô tháo.
Thân tâm không dao động, nó trở nên vi tế.’
Vị ấy tập như thế nào với ý nghĩ: ‘An tịnh thân hành ta sẽ thở vô. An tịnh thân hành ta sẽ thở ra.’? Ở đây, thân hành (kāyasaṅkhāra) là gì? Những pháp thuộc hơi thở, liên quan mật thiết với hơi thở, là thân hành. Vị ấy tập để làm cho các hành thuộc hơi thở (thân hành) được trấn tĩnh, trơn tru và an tịnh. Vị ấy tập với ý nghĩ như vầy: An tịnh thân hành nhờ (làm yên lắng) những hoạt động của thân như cong về phía trước, hai bên, mọi phía, phía sau, và làm cho an tịnh sự động đậy, run rảy, rung động của thân, ta sẽ thở vô và thở ra.Ta sẽ thở vô và thở ra, làm cho an tịnh thân hành bằng những hoạt động của thân yên tĩnh và tinh tế như không cong người về trước, hai bên, mọi phía, phía sau, và bằng sự không động đậy, không run rảy, không rung động của thân.
Từ trước đến đây tôi đã chỉ cho quý vị thấy bốn giai đoạn của sự tu tập định bằng niệm hơi thở: đó là: (1) hơi thở dài (2) hơi thở ngắn (3) toàn hơi thở, và (4) hơi thở vi tế. Trong trường hợp này quý vị cần phải hiểu rằng đối với ba giai đoạn hơi thở dài, toàn hơi thở và hơi thở vi tế người ta có thể kết hợp lại làm một. Nghĩa là trong khi quý vị đang thở một hơi thở vi tế dài, quý vị phải cố gắng để biết toàn hơi thở vi tế dài ấy. Nếu hơi thở vẫn chưa vi tế, quý vị phải khuynh hướng tâm như thế nào để có hơi thở vi tế. Nếu quý vị cố gắng theo cách này, khi định của quý vị cải thiện, toàn hơi thở sẽ trở nên vi tế. Lúc đó quý vị sẽ cố gắng để biết toàn hơi thở vi tế dài với nhiệt tâm mãnh liệt. Nếu quý vị thực hành được như vậy, quý vị có thể thành công trong việc đắc thiền (jhānas).
Đối với ba giai đoạn: hơi thở ngắn, toàn hơi thở và hơi thở vi tế cũng có thể kết hợp lại làm một như vậy. Vì thế trong lúc đang thở một hơi thở vi tế dài quý vị phải biết cả ba — hơi thở dài, toàn hơi thở và hơi thở vi tế, cùng nhau. Và trong khi đang thở một hơi thở vi tế ngắn, quý vị cũng phải biết toàn hơi thở vi tế ngắn. Nếu quý vị thực hành theo cách này với đủ nhiệt tâm và hoan hỷ, định của quý vị sẽ cải thiện. Khi định cải thiện, hơi thở càng lúc càng trở nên vi tế hơn. Lúc ấy quý vị không nên để bị thất vọng với ý nghĩ: ‘Ôi, hơi thở của ta không được rõ ràng.’ Bởi vì nó sẽ làm cho quý vị dao động. Hậu quả là định của quý vị sẽ thối giảm. Thực sự, có được hơi thở vi tế như vậy là điều tốt. Tại sao? Nếu một nimitta (tướng hơi thở) xuất hiện lúc đó, và tâm quý vị dán vào nó, quý vị sẽ không bị quấy rầy bởi hơi thở. Tuy nhiên, nếu hơi thở của quý vị thô, quý vị có thể biết cả nimitta cũng như hơi thở; tâm của quý vị sẽ có hai đối tượng. Với hai đối tượng như vậy tâm quý vị không gôm tụ lại được, và định của quý vị sẽ không cải thiện. Vì thế khi hơi thở càng lúc càng trở nên vi tế quý vị nên lấy làm mừng.
Tuy nhiên, quý vị phải không được cố ý làm cho hơi thở dài, ngắn hay vi tế theo ý mình. Vì nếu quý vị làm thế tinh tấn giác chi và trạch pháp giác chi của quý vị sẽ bị thái quá. Khi hai yếu tố này thái quá, định sẽ thối giảm. Quý vị chỉ nên để cho hơi thở diễn tiến theo đường lối tự nhiên của nó. Như vậy là tốt nhất. Có khi hơi thở là dài, và có khi hơi thở là ngắn. Không có vấn đề gì cả. Dù hơi thở dài hay ngắn quý vị chỉ cố gắng để biết toàn hơi thở là đủ. Khi định của quý vị cải thiện, quý vị phải cố gắng để biết toàn hơi thở vi tế. Khi nó dài quý vị phải cố gắng để biết toàn hơi thở vi tế dài. Khi nó ngắn quý vị phải cố gắng để biết toàn hơi thở vi tế ngắn.
Nếu quý vị có thể tập trung trên toàn hơi thở vi tế trong hơn một giờ hay hai giờ mỗi thời ngồi định của quý vị sẽ cải thiện thêm. Lúc đó quý vị nên chú trọng đến việc thực hành liên tục. Không suy nghĩ. Không nói chuyện. Trong mọi oai nghi, đi, đứng, nằm hay ngồi, quý vị nên tập trung độc nhất vào hơi thở. Quý vị không nên chú ý đến bất kỳ đối tượng nào khác.
Nếu quý vị có thể tập trung trên toàn hơi thở vi tế, dù cho nó là dài hay ngắn, liên tục trong hơn một giờ và liên tiếp hơn ba ngày như vậy, thông thường thì nimitta sẽ xuất hiện. Với một số hành giả, nimitta xuất hiện trước. Tuy nhiên, với những hành giả khác, ánh sáng sẽ xuất hiện trước. Quý vị phải phân biệt được giữa ánh sáng và nimitta. Chúng là hai thứ khác nhau, cũng như mặt trời và ánh sáng mặt trời vậy.
Ánh sáng thì ở khắp mọi nơi, mọi hướng chung quanh thân của quý vị. Ngoại trừ tâm tục sinh (kiết sanh thức), mỗi tâm sanh lên nương vào sắc ý vật (tâm cơ) đều tạo ra nhiều kalāpas (tổng hợp sắc) gọi là các tổng hợp sắc do tâm sanh. Nếu quý vị phân tích các tổng hợp sắc ấy, quý vị sẽ thấy ít nhất tám loại sắc, đó là địa đại, thuỷ đại, hoả đại, phong đại, màu, mùi, vị và dưỡng chất. Nếu tâm đó là một tâm định mạnh mẽ, màu mà nó tạo ra sẽ rất sáng. Thêm nữa, hoả đại của những tổng hợp sắc ấy còn tạo ra nhiều kalāpas mới gọi là các tổng hợp sắc do thời tiết (nhiệt) sanh, không chỉ toả ra bên trong mà còn phát ra cả bên ngoài nữa. Trong mỗi tổng hợp sắc do thời tiết sanh ấy cũng có màu sáng hay ánh sáng. Khi tâm định cực mạnh và đầy năng lực, ánh sáng toả ra rất xa. Khi tâm ấy ít năng lực, ánh sáng chỉ toả ra có vài phân. Màu của các tổng hợp sắc do tâm sanh chỉ có ở bên trong, trong khi màu của các tổng hợp sắc do thời tiết sanh có cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Sự tập hợp của những màu sắc óng ánh này là ánh sáng chói sáng xuất hiện chung quanh quý vị.
Dẫu sao quý vị cũng không nên tập trung vào ánh sáng, mà chỉ tập trung vào hơi thở. Vào lúc đó hơi thở thường rất vi tế. Để biết được hơi thở vi tế ấy tinh tấn mãnh liệt, chánh niệm và trạch pháp là những yếu tố cần thiết phải có. Nếu quý vị biết hơi thở rõ ràng với những yếu tố này, định của quý vị sẽ cải thiện. Khi định cải thiện, thường thì tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) sẽ xuất hiện, và tướng này chỉ xuất hiện ở lỗ mũi của quý vị mà thôi.
Tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) là gì? Khi định của quý vị cải thiện, hơi thở sẽ trở thành một nimitta. Hơi thở cũng do tâm tạo. Nếu quý vị phân biệt tứ đại trong hơi thở của mình, quý vị sẽ thấy nhiều tổng hợp sắc (kalāpas). Nếu quý vị phân tích những tổng hợp sắc này quý vị sẽ thấy có ít nhất chín loại sắc, đó là, địa đại, hoả đại, thuỷ đại, phong đại, màu, mùi, vị, dưỡng chất và âm thanh. Yếu tố màu (có màu) sáng chói. Như tôi đã giải thích ở trước, hoả đại của các tổng hợp sắc đó cũng tạo ra nhiều tổng hợp sắc mới với màu sắc sáng chói. Sự tập hợp của những màu của các tổng hợp sắc này là nimitta.
Khi nimitta lần đầu xuất hiện, nó thường không ổn định. Vào lúc đó quý vị không nên tập trung vào nimitta, mà chỉ tập trung trên hơi thở. Khi sự tập trung của quý vị trên hơi thở trở nên ổn định và đủ sâu, nimitta cũng sẽ ổn định vững chắc. Lúc đầu nimitta có màu xám. Khi định cải thiện nimitta trở thành màu trắng, và rồi trong suốt. Nimitta trong suốt này được gọi là tợ tướng (pāṭibhāga nimitta). Tuỳ thuộc vào định của quý vị mà nimitta có thể thay đổi hình dáng và màu sắc. Đôi khi nó có thể là nimitta dài. Đôi khi nó có thể là tròn. Đôi khi nó có thể màu đỏ. Đôi khi nó có thể màu vàng. Nhưng quý vị không nên chú ý đến màu sắc và hình dáng của nó, nếu không thì nó sẽ tiếp tục thay đổi (màu sắc và hình dáng). Nếu nó cứ thay đổi như vậy, định của quý vị sẽ suy giảm. Quý vị sẽ không đắc được một thiền nào cả. Như vậy quý vị nên tập trung trên hơi thở cho đến khi nimitta hợp nhất với hơi thở và tâm của quý vị tự động dán vào nimitta. Lúc đó quý vị chỉ nên tập trung trên nimitta, chứ không trên hơi thở nữa. Nếu quý vị lúc thì tập trung trên hơi thở và lúc thì tập trung trên nimitta, định của quý vị sẽ dần dần thối giảm.
Nếu quý vị tập trung trên nimitta, nó sẽ trở thành mầu trắng và rồi sáng óng ánh giống như sao mai. Tâm quý vị lúc đó sẽ tự động chìm vào nimitta. Đây là sự an chỉ. Đối với người mới bắt đầu đây là một giai đoạn rất quan trọng.
Chú giải giải thích giai đoạn này với tỷ dụ về một hài nhi chuyển luân vương. Hoàng hậu, người mang thai hài nhi chuyển luân vương, thấy được hoàng nhi nằm trong bào thai với mắt thịt của mình. Vào lúc ấy hoàng hậu thận trọng canh chừng con mình không để cho bất cứ một sự bất hạnh nào xảy ra. Hành giả cũng vậy, phải canh chừng nimitta của mình với sự thận trọng và tôn kính. Tóm lại, quý vị phải thực hành với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, bởi vì một cái tâm lười biếng, mơ hồ và hay quên không thể nào đạt được một sự phát triển tinh thần đặc biệt nào. Trong mọi oai nghi quý vị phải có chánh niệm và tập trung trên nimitta. Chẳng hạn, trước khi quý vị bắt đầu đi, quý vị nên đứng tại một góc của con đường kinh hành và tập trung trên hơi thở của mình. Khi nimitta xuất hiện và ổn định vững vàng, quý vị nên tập trung trên đó. Khi sự tập trung của quý vị đã mạnh mẽ và đầy năng lực, quý vị nên đi một cách chậm rãi với tâm chỉ tập trung trên nimitta mà thôi.
Để có thể tập trung được trên nimitta trong mọi oai nghi là nhờ vào sức mạnh của ý chí. Quý vị có loại sức mạnh của ý chí này. Vì thế hãy chịu khó thực hành. Quý vị có thể thành công. Nếu quý vị thực hành một cách liên tục thì chẳng bao lâu tâm quý vị sẽ chìm vào nimitta. Đây là sự an chỉ, cũng gọi là bậc thiền (jhāna). Mặc dù trong vài lần đầu sự an chỉ không kéo dài lâu, song quý vị không nên từ bỏ việc hành thiền. Quý vị phải thực hành đi thực hành lại nhiều lần. Nếu quý vị chịu khó thực hành với chánh niệm và tỉnh giác mãnh liệt quý vị sẽ thành công trong việc duy trì sự tập trung trên nimitta trong một thời gian dài. Ở giai đoạn đầu, trú trong an chỉ phải được chú trọng nhiều hơn. Ngược lại, việc quán xét các thiền chi phải được hạn chế lại. Nếu quý vị quán xét các thiền chi thường xuyên quá, sự tập trung của quý vị sẽ suy giảm. Vì thế hãy cố gắng trú trong an chỉ để kéo dài thêm thời gian.
Sự an chỉ của quý vị phải được sâu và vững chắc. Nếu nó sâu và vững chắc trong hơn một giờ hoặc hai giờ, thì đó là một sự thành tựu tốt. Ở đây tôi khuyên quý vị nên thực hành cho đến khi quý vị có thể trú trong an chỉ định ít nhất ba giờ liên tục. Nếu quý vị có thể an trú trong tợ tướng (patibhaga nimitta) hơn một, hai hoặc ba giờ mỗi thời ngồi thiền trong ba ngày liên tiếp, lúc đó quý vị có thể khởi sự quán xét các thiền chi. Để làm điều này trước tiên quý vị phải trú trong an chỉ sâu lắng trong hơn một giờ. Sau khi xuất thiền, quý vị sẽ quán bên trong trái tim của mình để phân biệt bhavaṅga (tâm hữu phần), tâm vốn nương vào sắc ý vật hay tâm cơ (một chất máu nằm trong trái tim) của quý vị để sanh khởi. Thường thường, lúc ban đầu nhiều hành giả không thể phân biệt được giữa bhavaṅga và nimitta. Khi họ phân biệt bhavaṅga, họ cũng thấy tợ tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) ấy bên trong trái tim. Họ nghĩ rằng đó là bhavaṅga. Kỳ thực đó không phải là bhavaṅga. Bhavaṅga giống như một tấm gương bên trong trái tim. Như Đức Phật đã dạy: ‘Pabhāsala midaṃ bhikkhave cittaṃ.’ – (này các Tỳ kheo tâm hữu phần (bhavaṅga) thực chói sáng). Lời này được đề cập trong chương accharāsaṅghāṭa của Tăng Chi Kinh (Aṅguttara Nikāya). Thực sự Bhavaṅga là một loại tâm, tuy không sáng nhưng nó có thể tạo ra ánh sáng chói lọi. Nói đúng hơn nó có thể tạo ra nhiều tổng hợp sắc (kalāpas) do tâm sanh (mind- produced kalāpas). Và yếu tố lửa hay hoả đại của những tổng hợp sắc ấy còn tạo ra thêm nhiều thế hệ tổng hợp sắc do thời tiết sanh (temperature-produced kalāpas) nữa. Màu của hai loại tổng hợp sắc ấy rất chói sáng. Như vậy bhavaṅga là một thứ và ánh sáng là một thứ khác.
Quý vị chỉ nên quán xét bhavaṅga trong vài giây thôi, bởi vì nếu quán xét bhavaṅga lâu hơn, như hai hay ba phút chẳng hạn, tim của quý vị có thể bị đau và định của quý vị sẽ suy giảm đi. Vì thế nếu quý vị phân biệt được bhavaṅga trong một vài giây, đó là điều tốt. Nếu làm không được, quý vị nên tập trung trên tợ tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) trở lại cho đến khi sự an chỉ của quý vị sâu lắng và nimitta sáng chói. Lúc đó quý vị lại cố gắng để phân biệt bhavaṅga. Nếu quý vị cứ thực hành đi thực hành lại theo cách này nhiều lần, quý vị có thể hiểu được bhavaṅga. Nếu quý vị không thể phân biệt được bhavaṅga, quý vị nên tập trung vào tợ tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) trở lại cho đến khi sự an chỉ của quý vị sâu lắng và nimitta chói sáng. Lúc đó, khi quý vị phân biệt bhavaṅga quý vị sẽ thấy rằng nimitta xuất hiện bên trong bhavaṅga, cũng giống như khi quý vị nhìn vào một tấm gương quý vị sẽ thấy mặt mình ở bên trong tấm gương vậy.
...