Chìa Khóa Vào Chơn Lý Thiên Nhiên
(Keys To Natural Truth)
Buddhadasa Bhikkhu (Tỳ khưu Phật Lệ)
Translated by: Dr. Supaphan Na Bangchang,
Santikaro Bhikkhu, Roderick Bucknell
Thiện Nhựt phỏng dịch
Source-Nguồn: dhammatalks.net, budsas.org
____________________
MỤC LỤC |
2. Hai Thứ Ngôn Ngữ: Nói Thường Và Nói Pháp (Two Kinds Of Language: Everyday Language & Dhamma Language - Translated by: Roderick Bucknell) |
____________________
Tựa
Bi kịch của đời sống con người là một bí ẩn mà chúng ta đang phải sống. Nguồn gốc căn bản, ý nghĩa và mục đích của đời sống, phần đông chúng ta đều chẳng biết được rõ, khiến cho chúng ta còn chẳng sống được trọn vẹn đầy đủ và sung sướng. Mặc dầu chẳng nên và cũng chẳng cần thiết phải như thế, nhưng các quan kiến méo mó cùng các tư tưởng vượt ngoài vòng kiểm soát đã đưa đẩy cuộc đời thông thường trở thành một bí ẩn. Ngay cả cuộc đời mà mỗi chúng ta cứ gọi là "đời riêng của tôi", cũng bị che mờ bởi sự hỗn tạp và náo động của các tình cảm, tin tưởng, ý kiến và hiểu lầm. Còn chưa hiểu rõ đời, chúng ta sống một cách thiếu thích nghi và tương phản với Thiên nhiên và Chơn lý của nó. Lối sống như thế thật là cằn cỗi, chật chội, nhỏ bé, ích kỷ và đầy khổ sở. Làm cách sao mà ta thoát ra khỏi, để đi vào một cuộc đời thanh lương, an hoà và hoan hỉ mà ta biết đó là tự nhiên và đúng đắn?
Nhiều nhân vật cảm khái rất sâu xa khi đi tìm cách làm sáng tỏ được cái bí ẩn đó và sự khổ đau bi thảm của nó. Đức Phật là một trong những bực ấy, đã thành công hoàn toàn, cả cho chính Ngài và cho toàn thể nhơn loại. Sự thành công của Ngài đã xuyên qua sự thực hiện trực tiếp Chánh Pháp, Chơn lý Thiên nhiên, để giải thoát tâm ra khỏi mọi sự khốn khó và các khổ nạn. Như là kết quả tự nhiên của sự giác ngộ của Ngài, Ngài đã đặt trọn đời Ngài vào việc giúp đỡ những kẻ khác được giác ngộ theo. Theo lời Ngài, "Chánh Pháp được ta khéo giảng, tựa như dựng đứng lên những gì đã bị lật úp xuống, như mở ra những gì đã bị đậy kín; nó được tuyên giảng vang lên; các mép tơi tả đã được cắt đứt bỏ hết."
Giải thích và vạch rõ con đường đến với Chơn Lý Thiên Nhiên là tất cả những gì mà một chúng sanh có thể làm cho kẻ khác, nhưng còn chưa đủ giúp ta làm sáng tỏ cái bí ẩn cuả cuộc đời và tìm ra được an lạc. Chúng ta còn chưa thành công trong việc tìm hiểu ý nghĩa của tặng phẩm của Ngài. Sự thất bại đó do bởi các ý kiến của chúng ta, sự khiếm khuyết tỉnh thức, sự lười biếng, sự lãnh đạm thờ ơ, và v.v... Chìa khoá trong tập sách nầy, do đó, nhắm vào ý định giúp mở ra một con đường quang đãng, dễ sống theo, để đưa sự mê mờ và yếu kém của chúng ta vào được ngõ thông hiểu đúng đắn về Chánh Pháp (Chơn Lý Thiên Nhiên), khiến cho Chánh Pháp trở lại rạng chiếu vào đời sống, phát hiện bí ẩn của nó, và dập tắt hết mọi khổ sở (dukkha).
Có năm "chìa khoá" tại đây. Chià khóa thứ nhứt là Kinh Kàlàma (Kàlàma Sutta) đặt thành căn bản của thái độ trong Phật học: ta chỉ tin tưởng vào một điều gì, sau khi đã quan sát kỹ nó, suy tư cặn kẽ cẩn thận về nó, thử nghiệm nó và tự chính mình, nhận thấy ra điều ấy đúng. Con đường Phật giáo về Trí huệ trở nên vô nghĩa cho những ai đã hờ hững với nguyên tắc đó; các kẻ ấy biến nó thành một sự việc khác mất. Chìa khoá đó được tìm thấy trong một loạt các bài đoản luận do Ajahn Buddhadàsa viết, và được mệnh danh là "Saccasàra từ thiền viện Suan Mokkh" (chữ sacca có nghĩa là "Chơn Lý", và chữ sàra có nghĩa chung vừa là "cốt tủy" vừa là "thông điệp")(...)
Chìa khoá thứ hai là bài "Hai thứ ngôn ngữ", được Roderick Bucknell (khi còn là Tỳ kheo Ariyananda), dịch vào năm 1970. (...) Chià khoá thứ ba là bài"Nhìn vào bên trong" cũng do Roderick Bucknell dịch và được phổ biến lần đầu. Hai bài tham luận đó giúp ta cách ứng dụng các nguyên tắc nêu trong Kinh Kàlàma. Bài "Hai thứ ngôn ngữ" chỉ rõ cách phân biệt giữa hai cấp bực của ngôn ngữ, thường quấn quít vào nhau, trong các bài giảng pháp và trong văn chương. Cả hai cấp bực ngôn ngữ đó cần phải được nhận chân ra và thông hiểu sự sai biệt, nếu chúng ta muốn thọ hưởng được lời giáo huấn của Đức Phật, và Ajahn Buddhadàsa đã cho nhiều thí dụ để có thể làm đúng được như thế.
Chìa khoá thứ ba chỉ cho ta cách kiểm soát lại các sự thật đã được những kẻ khác dạy ta. Ngay đây, Đại Đức Buddhadàsa phản ứng chống lại các khuynh hướng của chúng ta thường để cho tâm bị thu hút vào các sự vật bên ngoài, và hướng chúng ta theo đúng chiều hướng của sự thật tâm linh. Người nhấn mạnh rằng, chúng ta phải nhìn xa, vượt qua khỏi sự thật tương đối và phiến diện để tìm ra được Chơn lý thực sự. Chìa khoá để làm được như thế là phải biết "hướng nội". Để giúp ta bắt đầu làm sự nội quán nầy, Người chỉ cho thấy sự khác biệt giữa việc quan sát các hiện tượng vật lý bên ngoài và sự quán tưởng các hiện tượng tâm linh bên trong. Chỉ xuyên qua sự quán tưởng nầy, Chánh Pháp mới có thể được thực hiện trực tiếp và một cách độc lập.
"Hạnh phúc và Khát vọng" (Happiness & Hunger) là chìa khoá thứ tư, được tôi dịch và xuất hiện lần đầu năm 1987 trong tờ nội san "Tiến hoá và Giải thoát" (Evolution/ Liberation) của Thiền viện Suan Mokkh. Mục tiêu của bài tham luận nầy là làm sáng tỏ thêm động cơ chủ lực đã thúc đẩy hành giả nghiên cứu và thực tập Chánh Pháp. Ta thường có khuynh hướng đòi hỏi ở Chánh Pháp những điều mà Chánh Pháp chẳng có chủ đích cung cấp cho. Đôi khi ta lại đùa giỡn cả với Chánh Pháp. Với những ai cố đi tìm hạnh phước, tưởng nên xét lại những gì họ đang thực sự cần đến, và xem coi Chánh Pháp có thể cung cấp được cho họ các điều đó hay không.
Chìa khoá cuối cùng là bài "Chánh Pháp Chơn Lý về Sự Tịch Tĩnh và Minh sát vào thời đại nguyên tử" (The Dhamma Truth of Samatha Vipassanà For the Nuclear Age), tôi mới vừa dịch gần đây. Bài tham luận nầy bàn về vài vấn đề quan trọng thường bị lẫn lộn. Trước hết, lối sống mà Đức Phật chỉ dạy là một con đường thống nhứt. Nếu ta tự tiện cắt nó ra từng đoạn, một cách ngược với Thiên nhiên, thì con đường đó chẳng thể nào vận hành được. Nếu ta cố tình chỉ thực tập có một khiá cạnh nào đó thôi, thì ta cũng sẽ chẳng đạt được ngay cả khiá cạnh ấy, nói chi là trọn con đường Chánh Pháp. Thứ hai, ta tự tạo nên các vấn đề khó khăn và khổ sở cho mình, thời ta phải tự mình giái quyết lấy. Ta chớ nên để các sự thật cá nhơn của ta làm cản trở mất con đường của chơn lý thực sự, có thể đem đến sự giải thoát cho ta. Sau cùng, ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng nguy hiểm hơn, ta chẳng có dư thì giờ để phung phí. Ta phải nên mẫn cán, thận trọng và thực tập một cách chân thành.
Nhiều người đã đóng góp vào công cuộc thực hiện tập sách nầy, kể từ Ajahn Buddhadàsa với các nhà thông dịch. Với sự trợ giúp của các pháp hữu đã dò đọc và bình luận về các bài tham luận, tôi đã làm công việc hiệu đính, nhứt là dung hợp lại cách hành văn và các từ ngữ, để cho thông điệp của Ajahn Buddhadàsa càng sáng tỏ càng hay.
Sau đó, Rod Bucknell sửa chữa lại lần nữa, rồi Hội Nghiên cứu và Thực tập Chánh Pháp đã lo lắng các việc sắp xếp về kỹ thuật. Và giờ đây bạn có trong tay tập sách Pháp thí (Dhamma dàna) nầy, hoàn mãn được ước vọng của mọi người.
Sau cùng, ta nên nhắc cho nhớ lại lần nữa rằng, Đức Phật có nói: "Ta tuyên bố chỉ có khổ sở (dukkha) và sự dập tắt hết khổ sở mà thôi." Đây cũng là một chìa khoá khác, cũng thật cần thiết, tuy nhiên ta lại thường đọc tụng, nghiên cứu và "thực tập" Chánh Pháp với nhiều ước vọng khác trong đầu, như để đắc được một kinh nghiệm nầy, một tình trạng nọ, hoặc một đạo quả kia... Mặc dầu điều Khổ sở nầy được hàm chứa xuyên qua năm bài tham luận, ta cũng nên đem ra bàn luận tại đây về danh từ Khổ sở (dukkha), với hy vọng là mọi người sẽ ngưng việc né tránh nó. Tầm quan trọng của Khổ sở trong đời sống thông thường, cũng như trong việc thực tập theo Chánh Pháp, có khuynh hướng bị vài người xem quá nhẹ.
Khổ (Dukkha) có thể được hiểu theo hai nghĩa: thứ nhứt, như là một cảm giác của loài chúng sanh hữu tình, và thứ hai, như một đặc tánh phổ quát của tất cả hiện tượng. Theo nghĩa thứ nhứt, Khổ (Dukkha) được giải thích như là "khó mà chịu đựng nổi, vất vả lắm phải đương đầu với". Kinh nghiệm về cái cảm nhận đó -- nó chẳng phải là một tình cảm -- là nó chẳng hề làm thỏa ý bao giờ, chẳng hề gây thích thú, hoặc sung sướng chi cả, và có thể đưa tới thống thiết và ê chề. Nguyên nhân tạo nên Khổ sở luôn luôn là một hình thức nào của khát vọng, luyến ái, và mê mờ. Theo nghĩa nầy, Khổ sở có thể được diễn dịch ra như là "sự đau đớn, sự khốn đốn, sự thống thiết, sự bức xúc (stress)". Sự thực tập đứng đắn về Chánh Pháp sẽ phá giải được nỗi Khổ sở đó, kể từ hình thức thô phù nhứt cho đến các loại Khổ thật tế nhị mà phần đông con người còn chưa hề thấy đến.
Nghĩa thứ hai, rộng hơn và tế nhị hơn nghĩa thứ nhứt, là "hình thù đáng ghét, xấu xí khi được nhìn đến". Khi sự minh triết thâm viễn phát hiện được thật sự chúng ra như thế nào, thì các sự vật chịu điều kiện hoá (= các pháp hữu vi) đều được thấy ra như là chẳng hấp dẫn, xấu xí, đáng ghét, chẳng đáng tin cậy và hay áp bức. Lối nhìn của chúng ta luôn khoá cứng vào những gì hấp dẫn, nhưng Pháp nhãn lại thấy ra muôn sự vật đều chỉ là ảo giác, và dối gạt. Đặc tánh phổ quát thứ nhì luôn luôn đi theo sau, và đào sâu thêm đặc tánh thứ nhứt, tức là sự vô thường (aniccam). Thật ra, cả hai nghĩa của Khổ (Dukkha) đều do ở sự vô thường cả. Tất cả các hiện tượng vô thường, tự nơi bản chất của chúng, đều là khổ (theo nghĩa thứ hai); và cũng là khổ (theo nghĩa thứ nhứt), bởi vì tâm đã dại khờ ôm giữ lấy chúng. Nghĩa thứ hai của Khổ có thể được diễn dịch như là "bất toại nguyện, hay có sức đè nén".
Một khi đã thông hiểu được Khổ rồi, thì Niết bàn (Nibbàna) liền tiếp theo sau. Niết bàn là sự tận diệt (Nirodha) hoàn toàn tận gồc rễ của Khổ sở. Niết bàn chỉ khởi hiện sau khi Khổ đã hoàn toàn bị xâm nhập sâu xa. Theo sát nghĩa thì Niết bàn là "sự thanh lương, hay là sự mát mẽ" Nó được mô tả như là sự chấm dứt của tham lam, sân hận và ngu si; và như là sự kết liễu của mọi khát vọng, luyến ái, vị kỷ và vô minh. Khi các tình trạng "nóng bỏng" đó lại tái khởi nữa thì đấy là Niết bàn tạm thời. Niết bàn vĩnh cửu khi các tình trạng trên đây chẳng thể nào khởi hiện trở lại nữa. Sự tiến triển từ Khổ đến Niết bàn là cứu cánh duy nhứt của sự thực tập theo Chánh Pháp. Chẳng có gì khác hơn thế mà được xem như thích ứng hơn, cho dầu nói trong tập sách nầy, hay là ở ngoài đời. Do đó, sự khảo sát của chúng ta về các chìa khoá phải nên là sự khảo sát về điều mà Đức Phật đã mô tả như là đề tài duy nhứt mà Ngài đã giảng dạy -- Khổ và sự tận diệt Khổ. Nỗ lực của chúng ta sẽ nhờ đó mà đem lại các kết quả: an hoà và tự tại.
Chúng tôi xin cám ơn các bạn độc giả đã lưu tâm đến tập sách nầy. Nguyện cầu mọi chúng sanh khám phá ra được con đường đến với Chơn Lý Thiên Nhiên và thành tựu mỹ mãn.
Tỳ kheo Santikaro
Thiền viện Suan Mokkhabalarama
Chaiya, Thái lan
Tháng Mười Một, năm 1988.