NỘI DUNG |
Lời giới thiệu 1- Ai trói buộc mình
2- An vui trong hoàn cảnh
3- Chỉ mình làm khổ mình
4- Tâm bình thường
5- Nghiệp thức
6- Diệu dụng bàn tay
|
Lời giới thiệu
Đạo là nguồn sống phổ quát bất tận, cung cấp năng lượng cho tất cả chúng sanh. Không phải chỉ có con người, tự xưng là tối linh ư vạn vật, mới hiểu đạo sống đạo. Con kiến, con sâu có đạo lý của nó, cánh hoa cọng cỏ cũng có đạo lý của nó khi sống khi chết tùy thời. Chúng biểu hiện “tâm bình thường” của chúng qua đời sống hằng ngày, trong khi cần mẫn tha mồi về tổ, khi cuộn mình ngủ đông hoặc rụng hết lá để bảo tồn nhựa sống trong khi giá rét.
Chỉ có con người vô cùng rắc rối nên phải đi tìm một cái tâm bình thường đơn giản. Bậc thánh triết thể nghiệm điều này thì sống như trò đùa. Nâng cao giá trị vĩnh cửu hợp đạo để mãi mãi là nguồn sáng chiếu soi. Muôn ngàn lời dạy rốt cuộc để chỉ cho con người một đời sống bình thường không điên đảo. Nhận ra được điều này, chúng ta thấy an ổn vô cùng.
TN. Như Đức
___________________
Ai Trói Buộc Mình
Ai trói buộc mình? Không biết có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi đó với chúng ta chưa? Đến chùa học pháp hay đi tu chỉ để cầu giải thoát. Mục đích tu hoặc xuất gia là cầu giải thoát sinh tử. Giải thoát có nghĩa là mở, mở trói ra. Cầu giải thoát là đang bị trói. Nhưng ai trói mình, cái gì trói mình? Khi biết mối manh mới mở được.
Trong tất cả chúng ta có ai cảm thấy hoàn toàn không bị trói buộc không? thử xem cái gì trói chúng ta. Các vật bên ngoài hay con người có trói chúng ta? Nếu có gia đình bị gia đình trói. Có một lý tưởng, một ý nguyện, bị lý tưởng, ý nguyện trói. Uống rượu, hút thuốc, bị những điều đó trói.
Như vậy, chúng ta thấy trong đời sống mình rất thường bị trói. Cho dù những vật nhỏ, như đồng hồ, áo quần, quyển sách… nếu ưa thích vẫn bị trói như thường. Tại sao một vật nhỏ không nghĩa lý thế này lại trói mình? Có phải vì vật đó làm cho mình cảm thấy dễ chịu? Đôi khi trong bữa ăn, thích món này món kia, khi cảm thọ của mình được vừa ý có phải mình bị dính liền.
Xét cho tới nguyên nhân sâu là do cảm thọ dễ chịu của mình. Cái ưa thích đó có gốc từ nơi cảm thọ dễ chịu của mình. Chuyện kể rằng, có một vị thiền sư, tên Kim Bích Phong. Vị thiền sư này là một người đã chứng đạo và thong dong tự tại rồi. Tuy nhiên Ngài đặc biệt ưa thích bát ăn cơm bằng ngọc tinh khiết. Mỗi lần chuẩn bị ngồi thiền nhập định lâu, ngài đem chiếc bát ngọc cất vô tủ. Đến khi tuổi thọ đã hết, Diêm vương sai mấy tên tiểu quỷ tới bắt Ngài. Do thiền sư Kim Bích Phong đã tu chứng đạo và biết trước giờ chết cho nên Ngài nhập định. Quỷ thần không thể thấy qua thân xác này mà thấy qua tâm. Khi người nhập định, tâm vắng lặng thì quỷ thần không thấy nên không thể bắt được. Nó tự nghĩ, “Bây giờ nếu mình không bắt được hồn ông này về thì thế nào cũng sẽ bị Diêm vương quở”. Cuối cùng nó quyết định đi hỏi thổ địa, ông thổ địa nói rằng: Ngài này rất thích cái bát ngọc, nếu ngưoi có cách đem cái bát ấy đi, Ngài động niệm sẽ xuất định.
Con quỷ mừng quá, đi tìm chiếc bát ngọc lắc lắc, khua khua làm vang lên tiếng. Vị thiền sư lúc đó đang ngồi thiền nghe tiếng bát ngọc khua, sợ bát bể, động niệm. Lập tức con tiểu quỷ đứng trước mặt, vòng tay thưa xin thỉnh ngài cùng về với nó để gặp Diêm vương. Ngài Kim Bích Phong biết vì mình còn một chút tham ái làm chút xíu nữa đã tiêu mất huệ mạng, ngài lập tức cầm chiếc bát ngọc đập vỡ tan tành và nhập định trở lại. Khi nhập định trở lại thì quỷ không còn tìm thấy, không còn mối manh đâu mà tìm biết nữa vì ngài nhập vào cảnh giới Niết-bàn vô trụ.
Với một người đã chứng đạo, biết được giờ chết, tu hành như vậy mà vẫn còn một chút xíu sự ưa thích. Chỉ một chút xíu sự ưa thích đó đủ sức làm người đó trở lại sanh tử huống chi là chúng ta. Cái trói của đồ vật tuy vậy vẫn còn ít nhưng cái cột trói của con người thì thế nào?
Lúc trẻ, khi thương ai, người ta gọi là hệ tâm. Nghĩa là tâm bị cột vào người đó. Lớn lên, lập gia đình rồi thì lại trách nhiệm, bổn phận… đi đâu một bước không được. Có người thoát khỏi những trói buộc đó thì lại vướng trong sự trói buộc của hoài bão. Có người chết rồi tâm cũng chưa yên, không nhắm mắt vì còn một hoài bão hay một ý nguyện chưa thành. Những người đó khi chết có siêu không? Lúc đó cho dù có cầu siêu cũng khó mà siêu được. Chúng ta nhìn người rồi tự xét lại mình, cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào, liệu rằng khi cái chết đến, tâm mình có sẵn sàng không còn vướng bận để ra đi không, hay lúc đó sẽ vẫn vướng kẹt cái này, cái kia…
...