Lời giới thiệu
Trên hội Linh Sơn, đức Phật đưa lên cành hoa, hội chúng ngơ ngác chỉ có ngài Ca-diếp mỉm cười. Cánh hoa là một thực tại ngay bây giờ và ở đây. Tất cả chúng ta cũng có thể nhìn thấy hàng ngày hàng giờ, hoa cỏ quanh mình, không cần phải nằm trên tay đức Phật. Và vì không để ý nên cành hoa Linh Sơn là một nhắc nhở thân thiết, là lời kinh áo diệu bay qua nhiều nghìn năm. Khi thâm nhập thực tại nhiệm mầu, ngài Trí Khải Đại sư thấy ra hội Linh Sơn chưa từng tan mất.
Thâm nhập thực tại để lòng từ bi hoan hỷ tuôn chảy tận cùng, một phương trời mở rộng mà hết thảy chúng sanh ta bà cứ nhắm mắt lại không thấy không nghe. Đại sư Trí Khải đã từng giảng một chữ “Diệu” trong tựa kinh Diệu Pháp Liên Hoa suốt ba tháng, nói không hết ý. Đó là sự giàu có vô song của người sống với hiện tiền. Mong rằng chúng ta nhận được ý này.
Viên Chiếu Trung thu 2014
__________________
Mở đầu
Chúng ta thường quên sự quan trọng của “ngay đây và bây giờ.” Chúng ta sắp đặt để nhìn vào mai sau, sắp đặt cho ngày mai, lo lắng cho tương lai, sống vội vàng hướng về bên kia. Đó chính là nguyên nhân mà chúng ta quên lửng cái đẹp hiện tiền.
~ Vô danh
Nói cách khác, sở dĩ cái đẹp cái hay trước mắt chúng ta không thấy không nghe, không cảm nhận, không thưởng thức vì tâm đang dính mắc vào quá khứ, hiện tại và vị lai.
Vậy làm thế nào để buông bỏ dính mắc?
Chư Phật chư Tổ trong kinh điển và Ngữ lục đều có chỉ dạy, từ lý thuyết đến thực hành. Chúng ta cùng học hiểu và thực tập những lời chỉ giáo trong khóa tu này ngõ hầu được chút ít tư lương không những ngay đây và bây giờ mà còn tiếp nối về sau.
Khóa tu Mùa Xuân 2012
Thuần Bạch
__________________
Trước hết chúng ta học lời Phật dạy trong kinh Kim Cang, phẩm 18. Đồng Quán Có Một Thể về tâm và ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai.
“Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong một sông Hằng có bao nhiêu cát, có những sông Hằng bằng số cát như thế, có các thế giới của Phật bằng số cát của những sông Hằng ấy, như thế thật là nhiều chăng?”
- Bạch Thế Tôn, rất là nhiều!
Phật bảo Tu-bồ-đề: “Trong các cõi nước đầy dẫy như thế, có tất cả chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết. Vì cớ sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm.
Lục tổ giải: Trong quốc độ ấy những chúng sanh đều có bao nhiêu tâm sai biệt, số tâm tuy nhiều nhưng tổng danh là vọng tâm. Biết đặng vọng tâm chẳng phải tâm, nên nói: Chỉ cưỡng danh là tâm.
Lâm Tế tụng:
Bằng nhất niệm tâm mà giải thoát, Là tam muội pháp của Quán Âm.
Thế gian này là mộng huyễn không phải vì không có hoặc không thật mà vì không chân thật tuyệt đối. Lẽ thật như khuôn mặt chiếu rọi trên lưỡi dao; đường nét tùy theo góc độ chúng ta nhìn. Rốt cuộc, “Tất cả tâm không phải tâm và thế chính là tâm.”
Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.
Tâm quá khứ nhớ thuở xưa lúc đương thời làm những gì. Nhưng quá khứ có thật không? Nó là bóng dáng không thật nên quá khứ tâm bất khả đắc. Rồi tâm hiện tại là tâm gì? Là cái tâm suy tính, đang nghĩ đang tính một điều gì. Tâm suy tính đó có dừng lại ở một chỗ thật không? Đang suy tính mà nhìn lại nó cũng mất, cũng không thật. Đến tâm tưởng tượng vị lai, mai kia thế này, mai kia thế khác, như những người thanh niên nghĩ ngày sau mình sẽ như thế nào đó... Tâm đó có thật không? Vị lai là chưa đến mà hiện giờ tưởng tượng ra thì cũng là cái tưởng tượng bóng dáng thôi. Như vậy ba thời tâm có thật không? Vậy biết rõ ba thời tâm không thật là biết đúng sự thật. (Trích lời giảng của HT Thích Thanh Từ)
Như vậy có thể hiểu câu “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện
tại không thể được, tâm vị lai không thể được” là “Quá khứ tâm không thể được, hiện tại tâm không thể được, vị lai tâm không thể được.”
Bất khả đắc nghĩa là không, ba tâm bổn lai không, bởi việc mà có. Như vậy nếu tâm có dính mắc cụ thể là dính mắc vào việc. Cho nên kinh Viên Giác nói: Sáu trần bởi theo bóng ở ngoài làm tướng của “tự tâm.”
...
__________________
Sống Hiện TiềnSongHienTien
__________________