HỎI:
...Kính thưa Thầy, một anh bạn có nghe Thầy giảng đại ý là làm gì thì cũng nên thuận pháp, đừng có miễn cưỡng. Ví dụ, nếu mình làm kinh doanh, mà tự thấy sức của mình, tiềm lực tài chính của mình chỉ có thể làm 100 cái bánh mỗi ngày để bán, thì chỉ nên làm từng đó, chứ đừng cố làm nhiều hơn, vừa mệt người vừa dễ thất bại.
Nhưng cuộc sống không đơn giản cho ta làm theo ý mình mà còn phải đối đầu với luật cạnh tranh. Ví dụ cần phải tăng hay giảm theo mức cung cầu hoặc theo luật cạnh tranh trong kinh tế thị trường. Vậy thuận pháp là làm theo khả năng như Thầy nói hay phải thuận theo luật cạnh tranh khốc liệt?
Ngả nào cũng bị thua thiệt, vậy có nên thuận pháp không? và phải thuận pháp như thế nào?
Kính xin Thầy giải đáp cho chúng con.
____________________
TRẢ LỜI:
Nói chung mấu chốt ở chỗ các con chưa rõ chữ Pháp lắm.
Pháp có hai loại:
Chân đế (paramattha) - là bản chất thật của vạn pháp
Tục đế (sammutti) - là quy ước của xã hội (pannatti).
Chữ “Pháp” Thầy nói thuộc về chân đế hay thực tánh pháp, còn “pháp” mà các con đang lý luận thuộc về tục đế, "sự thật" theo quy ước xã hội. Quy ước xã hội có thể thay đổi, còn thực tánh pháp thì luôn theo nguyên lý nhất quán. Vậy các con cần phải phân biệt những điều sau đây trước khi muốn hiểu được cụm từ tùy thuận pháp nói lên điều gì:
- Thuận theo chân đế (thực tánh pháp) gọi là tùy pháp. Đó là người thường tinh tấn chánh niệm tỉnh giác hay sáng suốt định tĩnh trong lành, sống trọn vẹn trong pháp, không còn sống theo tư kiến tư dục nữa, nói cho dễ hiểu là không sống theo quan niệm, khuôn sáo hay thành kiến cố chấp mà là sống theo nguyên lý vận hành của thực tánh pháp.
Do chỉ hiểu ngang tầm mức tùy chúng và tùy ngã, chưa hiểu được tùy pháp và tùy nguyện nên các con chỉ muốn giải quyết vấn đề trên bề mặt tục đế để thỏa mãn nhu cầu sở tri, sở cầu và sở đắc của bản ngã, vậy thì làm sao buông mọi lý luận lăng xăng để thấy pháp được?
Không thấy pháp làm sao sống thuận pháp?
Hãy xem trong bốn loại trên các con định thuận theo loại nào đây?...